Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
87682

Thực hư chính trị Việt Nam “bất an” và “tê liệt”?

Những kẻ hay “chọc ngoáy” bằng thủ đoạn dựng chuyện, thêu dệt, thổi phòng đang la lối về cái gọi là “tình hình chính trị bất an ở Việt Nam do đấu đá nội bộ đang làm cho guồng máy kinh tế, chính trị ở Việt Nam gần như bị tê liệt” (!?) Sự thật thế nào, mong các vị ấy hãy gắng đọc những dòng tin từ chính báo, đài phương Tây sau đây:

Theo VOA, tuy đang diễn ra cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng các nhà quan sát cho rằng triển vọng đầu tư ở Việt Nam vẫn khả quan và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến Việt Nam.

Tổng cục thống kê cho biết, tính đến ngày 20/2, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023 lên 2,8 tỷ USD, mức cao nhất trong giai đoạn từ tháng 1-2 trong 5 năm qua. Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong hai tháng đầu năm 2024, chiếm 48,5% tổng giá trị, tiếp theo là Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc đại lục.

Còn trang asiafundmanagers.com (Đức) ngày 29/2 dẫn báo cáo của hãng quản lý đầu tư VanEck (Mỹ) cho rằng, Việt Nam có thể là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng bên ngoài các thị trường mới nổi truyền thống.

Trong báo cáo phân tích chuyên sâu về thị trường mới đây, VanEck đã phân tích về quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ “thị trường cận biên” sang “thị trường mới nổi” và chỉ ra những bước cải cách đã giúp Việt Nam tăng trưởng vượt bậc. Ông John Patrick Lee, giám đốc về sản phẩm tại VanEck, nhận định: các cải cách kinh tế của Việt Nam đã tạo ra một chu kỳ tích cực: “Cải cách thúc đẩy xuất khẩu, xuất khẩu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo đó thúc đẩy nhu cầu trong nước tăng. Quỹ đạo này đã định vị Việt Nam trở thành một phần năng động và không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu, với thị trường nội địa tiếp tục cho thấy có tiềm năng tăng trưởng mạnh”.

Ông Lee cũng chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy nhờ dân số trẻ và ngày càng tăng. Với hơn 60% dân số dưới 30 tuổi và tỷ lệ biết chữ trên 90%, lợi thế này đã thúc đẩy nhu cầu trong nước do tầng lớp trung lưu tăng với thu nhập khả dụng cũng tăng. Nhu cầu nội địa cao giúp Việt Nam chống chịu được trước những thách thức bên ngoài bao gồm các chính sách bảo hộ từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ và suy thoái kinh tế từ các nước khác như Trung Quốc.

Khi nói đến thị trường chứng khoán, VanEck tin rằng Việt Nam là một cơ hội mới mà các nhà đầu tư nên xem xét kỹ lưỡng. Ông Lee nhấn mạnh: “Bất chấp những cú sốc vĩ mô bao gồm đại dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc, thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn vượt trội so với các tiêu chuẩn chung của các thị trường mới nổi kể từ năm 2018”.

Còn trang mondaq.com (Mỹ) dẫn nhận định chung của nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng Việt Nam là điểm đến đáng đầu tư nhất trong ASEAN trong những năm tới. Nhận định này không phải là sự cường điệu về môi trường đầu tư cũng như tiềm năng hiện tại của Việt Nam, mà có căn cứ thực tế và xác đáng như việc tăng cường đa dạng hóa kinh tế, hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật đầu tư và chính sách kinh tế hiệu quả.

Nghiên cứu “Thế giới năm 2050” của hãng tư vấn PwC kết luận rằng, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm cao thứ hai trên toàn thế giới. Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 5,3% mỗi năm, từ năm 2014-2050. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm 2050. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát được Chính phủ kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng ở mức 3-5% trong cả năm, thấp hơn nhiều so với lạm phát tối đa cho phép là 4,5% trong năm 2023. Hai chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng này là minh chứng cho mức độ thành công nhất định của Chính phủ trong việc phục hồi và duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

Các nhà đầu tư nước ngoài thừa nhận: Chính phủ Việt Nam thực sự nhận thức được tầm quan trọng của cải cách thể chế trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này càng trở nên quan trọng khi các hiệp định thương mại mới sắp có hiệu lực và cải cách thể chế là một trong những điều khoản của các hiệp định này. Các luật mới được xem là cởi mở và thân thiện với nhà đầu tư nhanh nhất trong khu vực như Luật doanh nghiệp mới, Luật đầu tư và Luật hợp tác công tư, đã được thông qua. Các rào cản trong kinh doanh, đầu tư được dỡ bỏ, mở đường cho môi trường thông thoáng, minh bạch và đầy cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng, họ khẳng định: “Việt Nam là quốc gia năng động cải cách và hiện đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sức mạnh nội tại của nền kinh tế được thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô được kiểm soát, năng suất tăng mạnh và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực toàn cầu. Đây chính là thời điểm để các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu kế hoạch kinh doanh và nắm bắt những cơ hội sắp tới”.

Vậy, xin hỏi các người hay bịa chuyện: nếu tình hình nội tại Việt Nam không ổn định thì không thể có sự đánh giá tích cực; theo đó cũng như việc đầu tư vào của Việt Nam đang tăng. Điều đó là minh chứng, guồng máy đất nước Việt Nam vẫn đang quay đều cả về kinh tế cùng các hoạt động đối ngoại vẫn diễn ra theo đúng lịch trình đã định. Các ông càng cố tình gieo rắc nghi ngờ để kinh động dư luận xã hội, thì chính các ông sẽ nhận thất bại càng đau!

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *