Cứ vào dịp 30/4 hàng năm, những loa rè như VOA, RFA, BBC,… lại giở trò phỏng vấn hay ghi nhận “nỗi lòng” của những kẻ mang trong mình “cay đắng”, “ấm ức”, “thù hận” vì đã mất đi chế độ ngụy quyền tay sai VHCH nhằm công kích chế độ chính trị hiện nay.
Năm nay cũng vậy, VOA đã tổ chức đối thoại giữa Quốc Phương với Thu Giang-một người Mỹ gốc Việt là con của một cựu binh từng tham gia trong bộ máy ngụy quyền Sài Gòn. Thu Giang luôn nhắc đi nhắc lại nỗi lòng cay đắng, nghẹn ngào và ấm ức về kết cục bi thảm của chế độ Việt Nam cộng hòa vào ngày 30/4/1975, rồi nhấn mạnh: “Tôi chỉ ước mong sao TP Sài Gòn được trả lại tên”. Trong suốt cuộc đối thoại, Quốc Phương đã nêu một số vấn đề có tính khơi gợi ký ức tiêu cực của những người luôn ôm mối hận lịch sử, luôn lên án phía cộng sản và bênh vực cho phía ngụy quyền. Cha đẻ của Thu Giang vốn là một bác sĩ trong lực lượng Việt Minh từ ngày đầu kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc, tưởng rằng ông Hồ bắt tay được với Mỹ kết làm đồng minh, nên lựa chọn Việt Minh làm minh chủ, song sau khi thấy Mỹ từ chối thư của ông Hồ, nên cha đẻ của Thu Giang từ bỏ Việt Minh, chạy sang phía Pháp, vì nghĩ rằng Pháp với Mỹ là đồng minh, là đại diện cho nền dân chủ của nhân loại, còn Việt Minh theo Trung cộng, theo Xô cộng thì sẽ không có nền dân chủ. Sau Hiệp định Giơ ne vơ, cha đẻ của Thu Giang theo dòng công giáo di cư theo tiếng gọi của Chúa vào Nam, trực tiếp là phụng sự Tổng Giám mục Lê Hữu Từ, gom góp người theo đạo, chống cộng xuống Hải Phòng, lên tàu cứu trợ nhân đạo của nước ngoài vào Sài Gòn, bắt đầu cuộc hành trình chống cộng ở mức độ leo thang, trở thành kẻ phản bội lại đồng bào và Tổ quốc. Những ký ức mà Thu Giang nhắc lại chuyện từ cha đẻ của mình, những ký ức mà Thu Giang cùng nếm trải trong những ngày cải cách ruộng đất ở Việt Bắc, suýt bị đấu tố vì có biểu hiện lối sống tư sản, rồi cả nhà bỏ trốn trong đêm, điều đó cho thấy cha mẹ Thu Giang đã sớm lựa chọn con đường ngược lại với xu hướng lịch sử của dân tộc và lịch sử thời đại, không dám từ bỏ lợi ích cá nhân cho lợi ích chung của dân tộc. Kỷ niệm u tối của Thu Giang còn được tua đi tua lại bởi sự kiện người cha của Thu Giang cùng gia đình đợi tàu cứu trợ từ Hải Phòng vô Sài Gòn, đó là một cuộc đào tẩu mang danh sự trung thành với Chúa, một sự ngoảnh mặt với quê hương, đất nước, giống như những người không Tổ quốc, chỉ muốn có một vùng đất hứa mà Chúa vẽ ra trong bầu trời ấu trĩ chính trị của họ. Những tưởng cuộc di cư chính trị ấy sẽ có được một viễn cảnh tốt đẹp hơn, nhưng khi vào Sài Gòn, dù có được một góc riêng khá giả, nhờ vào sự trung thành, mẫn cán tay sai mà thân phụ Thu Giang tích lũy được ngay từ khi đảo ngũ bỏ Việt Minh theo Pháp. Có lẽ trong thâm tâm Thu Giang ước gì thân phụ của mình còn được leo cao hơn trên nấc thang danh vọng hão huyền để mang lại cho gia đình sự vinh thân phì gia hào nhoáng viễn vông. Chiếc ảnh còn lưu lại mà Thu Giang cảm thấy tương đối ấn tượng là tấm hình có 3 người: cha đẻ trong trang phục mang dáng dấp một nhà chính trị cấp cao, một bà mẹ tỏ vẻ tự hào về chồng, một đứa con cảm thấy hãnh diện về cha. Song đó chỉ là một thoáng qua trên dòng đời đầy giông tố chính trị, đầy biến động chế độ mà Thu Giang luôn tưởng nó là danh giá, nó là kinh điển cho cái tên mỹ miều “Sài Gòn-hòn ngọc viễn Đông”. Khi mà quân đội Hoa Kỳ buộc phải cuốn cờ kéo quân về nước vào đầu năm 1973 lại gây thêm ác mộng giống như năm 1954 quân Pháp buộc phải cuốn xéo khỏi Hà Nội, kết cục của những kẻ xâm lăng đối với dân tộc Việt Nam chẳng có gì tốt đẹp. Khi đó, chính lời than trách, phê phán của Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu gọi chính quyền Mỹ là kẻ phản bội, bỏ rơi đồng minh, vô hình dung đã tác động ghê gớm vào tâm não của binh sĩ và người dân sống dưới chế độ ngụy quyền. Họ cảm thấy cay đắng và vô vọng, chỉ còn oán hờn số phận trời đất sao quá khắc nghiệt với nền cộng hòa miền Nam. Thu Giang cho rằng, cha của Thu Giang từng biết kết cục của anh em Diệm – Nhu, vì ngáng đường Mỹ đưa quân qua Việt Nam tham chiến nên đành chuốc lấy cái chết; song với ông Thiệu thì sao, chẳng lẽ cũng vì sự trung thành với đồng mình tới mức mù quáng mà rước họa. Ngay cả với lời cật vấn của những người Mỹ khi học tiếng Việt để có một số từ cần thiết trước khi sang đánh nhau với Việt cộng, đã nói với Thu Giang với một thái độ hằn học, đại ý là: tại sao vì nền dân chủ của nước cô mà chúng tôi phải sang đánh nhau?
Cả một bài phỏng vấn đều là bi ai, oán trách, nuối tiếc, tức tưởi cho thân phận những con ễnh ương náu mình ở góc vũng bùn bụi rậm đợi mưa ngoại bang hà hơi tiếp sức, rồi oán trách “bên thắng cuộc”, bất chấp bối cảnh lịch sử, bất chấp sự sa ngã, bán đứng lợi ích dân tộc, đất nước của bản thân, thậm chí còn trút cả nỗi uất hận, lên án ông Kitsinger, người đã mang dòng máu Do thái với những tính toán sai lầm đưa nước Mỹ vào tiềm tàng hậu họa với Trung cộng, đưa nước Mỹ rút lui khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam…
Câu chuyện của Thu Giang là một trang não nề u ám lịch sử về ngày 30/4/1975, bất chấp hiện thực sau 49 năm vẫn ôm mộng ước muốn TP Sài Gòn được lấy lại tên xưa, quay lại bánh xe lịch sử.
Lịch sử như một vòng tròn xoáy trôn ốc, có những điều tưởng chừng như lặp lại, nhưng không lặp lại nguyên si, mà đó là vòng quay có tính qui luật lịch sử. Đối với dân tộc Việt Nam, vòng quay lịch sử luôn giữ được tính nhất thống: Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.