Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
10405

Giáo sư Zachary Abuza: hãy thông tin cho đúng sự thật, khách quan!

Sự kiện thôi chức của ông Võ Văn Thưởng là một biến động đáng chú ý trên chính trường Việt Nam nhưng đúng như Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 23 đến 27/03/2024 đã thẳng thắn trả lời câu hỏi của người Mỹ rằng “Tôi nghĩ việc Chủ tịch nước thôi chức ở Việt Nam không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại cũng như chính sách phát triển kinh tế của đất nước. Nếu bạn nhìn vào tình hình ở Việt Nam, chúng tôi có sự lãnh đạo tập thể, chúng tôi có chính sách đối ngoại mang tính tập thể. Đồng thời, chúng tôi có sự phát triển kinh tế do tập thể quyết định”, tiếc rằng vẫn có tiếng nói thiếu khách quan. Chẳng hạn như bài bình luận của Zachary Abuza trên RFA với tựa đề “Chính xác, điều gì đã xảy ra đối với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng?” đang nghe theo những luận điệu, thuyết âm mưu của các thế lực thù địch, phản động về cái gọi là “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng nội bộ” và đưa ra những “dự đoán” về tình hình bất ổn chính trị ở Việt Nam, gây hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân

Theo RFA chú giải: “Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA” nhưng với bình luận của ông này thì “Biến động này cho thấy những rủi ro của chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Hà Nội…Việc miễn nhiệm hai Phó thủ tướng, hai Chủ tịch nước và một ủy viên khác trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như việc xử lý một số bộ trưởng, cựu bộ trưởng khác kể từ tháng 12/2022 đã làm suy giảm lợi thế về ổn định chính trị của Việt Nam và khiến thị trường chao đảo” hết sức phiến diện, thiếu khách quan.Thậm chí ông này còn cho rằng “Bằng việc vũ khí hóa chiến dịch tham nhũng, ông Trọng đột nhiên không thể kiểm soát chiến dịch này, dẫn đến việc hạ bệ cả đối thủ lẫn đệ tử của mình” là hoàn toàn sai sự thật và cố tình xuyên tạc, gây nhiễu dư luận.

Cũng cần nhớ rằng, ngày 29/12/2022 tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng, chính ông Võ Văn Thưởng khi đó còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã phát biểu về lựa chọn và sàng lọc nhân sự, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề từ chức khi cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc sai phạm, không còn đủ uy tín để đảm đương vị trí công việc của mình. Ông nói rằng: Xưa nay chuyện từ chức tuy không phải mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ và thường được dư luận chú ý, rất nhiều khi thành chuyện thời sự. Lý do dễ thấy nhất vì đó là những người có chức vụ, có địa vị xã hội, chức vụ của họ quan hệ đến nhiều người, đến cộng đồng nên dư luận để tâm theo dõi. Và cũng cần nói thêm rằng trong một số trường hợp, người từ chức lại là những nhân vật đáng kính, có năng lực và uy tín hẳn hoi nhưng họ vẫn chọn con đường từ chức vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cần biết rằng ở nước ta thời trung đại, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến từng là mệnh quan triều đình Nhà Nguyễn cũng đã cáo quan (từ chức) vì thấy mình không thích hợp với triều đình phong kiến lúc bấy giờ, thấy nên từ quan để bảo toàn danh tiết. Không những thế, cụ còn có bài thơ “Di chúc” nói rõ việc này: “Đề vào mấy chữ trong bia/rằng: “quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”. Thời nay có những cán bộ có năng lực và uy tín nhưng vẫn chọn con đường xin về hưu trước tuổi như ông Trần Đăng Tuấn – Phó Tổng giám đốc VTV hay ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam). Họ về trước nhưng vẫn để lại tiếng tốt trong nhân dân. Như ông Nguyễn Sự mặc dù sức khỏe và năng lực còn tốt nhưng vẫn xin về trước tuổi để lớp trẻ có cơ hội kế thừa và rèn luyện trong cương vị công tác mới. Đó là điều không phải ai cũng làm được, được dư luận rất hoan nghênh bởi tính chất nêu gương của cán bộ lãnh đạo. Còn cán bộ có khuyết điểm tự giác từ chức thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ từ chức vào năm 2004 là một dẫn chứng. Cần thấy rằng, Đảng và Nhà nước thời gian qua đã khuyến khích cán bộ không còn đảm bảo năng lực, uy tín từ chức. Điều này đã được đề cập đến trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12, Kết luận số 21-KL/TW của hội nghị Trung ương 4, khóa 13 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nội dung chính chúng ta đang bàn ở đây là việc từ chức của những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc mắc sai phạm, bị kỷ luật… cần khuyến khích từ chức và hơn thế cần tạo nên sức ép dư luận từ trong Đảng cho đến ngoài xã hội buộc họ phải từ chức. Trong năm 2022 đã có một số cán bộ như vậy đã từ chức, thôi chức, về hưu hay làm nhiệm vụ khác khi không còn thích hợp ở chức vụ cũ. Đối với các nước văn minh phát triển thì từ chức không còn là chuyện cá biệt mỗi khi anh không hoàn thiện nhiệm vụ hoặc vi phạm quy định. Có rất nhiều dẫn chứng về chuyện này, có những vụ từ chức chấn động dư luận cả nước, thậm chí cả thế giới. Chẳng hạn như sau vụ bê bối chính trị Watergate ở Mỹ liên quan đến Tổng thống Hoa Kỳ Nixon khiến ông này không còn con đường nào khác nên buộc phải từ chức vào 8/8/1974 là một ví dụ.

Chúng ta đều biết rõ ông Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước, được bầu giữ chức Chủ tịch nước năm 2023. Tuy nhiên, vừa qua thông tin từ các kênh chính thống và Đài Truyền hình Việt Nam thì “theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, ông Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Võ Văn Thưởng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026”. Như vậy, rõ ràng là ông Võ Văn Thưởng chủ động có đơn từ chức và Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội nhất trí để ông Thưởng thôi giữ các chức vụ theo nguyện vọng cá nhân chứ không như những gì ông Zachary Abuza suy diễn trong bài viết trên.

Hãy thông tin cho đúng sự thật khách quan chứ đừng “vẽ rắn thêm chân” để “tát nước theo mưa” sàm bàn những điều rắc rối, phức tạp làm vậy, rồi gây tâm lý hoài nghi, nhiễu loạn thông tin, kích động dư luận nhé, thưa ông giáo sư Zachary Abuza?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *