Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
34429

“Góc nhìn dân dã” hay chiêu trò xuyên tạc chính trị?

Chiều 15/4/2024, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR chu kỳ IV. Trước báo cáo của một số bên liên quan về nhân quyền ở Việt Nam, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết có rất nhiều nội dung trong các báo cáo kiểu này được xây dựng trên những thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

“Ăn theo” các thông tin sai lệch trong những báo cáo đó, trang “Việt Nam thời báo” (VNTB) thêm thắt với bài viết “Nhân quyền ở Việt Nam từ góc nhìn dân dã” nhằm xuyên tạc, chống phá, vu cáo tình hình nhân quyền ở nước ta. Chúng cố tình sử dụng “góc nhìn dân dã”, tung hứng theo luận điệu xuyên tạc báo cáo UPR chu kỳ 4 của ta nhằm kêu khóc cho những đối tượng vi phạm pháp luật, vũ cáo Việt Nam “giam cầm và kết án tù dài hạn theo những điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự”…

 

Thực tế, phải xác định rằng: các trường hợp họ nêu đều nhắm đến số ít các bị can, các phạm nhân có hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong tất cả các tội, tội phản quốc là tội lớn nhất. Do đó, chúng không đại diện cho những cá nhân phạm tội thông thường nên càng không thể so sánh quy trình tố tụng, các bản án của những đối tượng này với những đối tượng phạm tội thông thường khác.

Thứ hai, Việt Nam không có văn bản luật nào được định nghĩa là “mơ hồ”. Các điều khoản cụ thể của Bộ Luật Hình sự (cũng như các Bộ luật, luật khác) đã được các chuyên gia thảo luận, lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đông đảo quần chúng Nhân dân trước khi ban hành. Như vậy, các luật pháp đều dựa trên các căn cứ, cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành, của người dân; tuân theo một quy trình rất chặt chẽ và nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Đồng thời, Luật là loại văn bản cụ thể, rõ ràng. Cùng với đó, dưới Luật còn có các Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn rất chi tiết từng điều, khoản. Do đó, không thể có chuyện mơ hồ trong văn bản pháp luật.

Thứ ba, với cáo buộc rằng “Chính phủ hạn chế quyền tiếp cận cố vấn pháp lý của nghi phạm” là phi lý, vô căn cứ bởi quyền mời luật sư là quyền lợi chính đáng của người bị buộc tội và được pháp luật Việt Nam công nhận. Không những thế, khi không có/không mời luật sư bào chữa, người bị buộc tội còn được Nhà nước chỉ định ít nhất một luật sư để bào chữa. Hơn nữa, bản chất của việc xét xử công khai xuất phát từ việc bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong quá trình tố tụng, chứ không phải để bêu tên và hạ nhục bị cáo. Các cơ quan chức năng cũng không bao giờ và không có quyền hạ nhục gia đình phạm nhân. Một điều quan trọng nữa của việc tuyên án công khai cũng nhằm giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân, bởi, thông qua hoạt động xét xử công khai mọi người dân nhận thức được rằng bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào cũng đều bị xử lí theo pháp luật; thể hiện tính răn đe và mục đích phòng ngừa chung đến xã hội. Biện pháp này cũng đã được áp dụng từ thời xa xưa với nhiều hình thức khác như bêu đầu, ném đá, ném trứng, phạt roi nơi công cộng… Một số hình thức tương tự vẫn đang được áp dụng trên thế giới ngày nay như xét xử lưu động, xét xử công khai theo hình thức trực tuyến (phạt roi ở Singapore, đánh gậy ở Ấn Độ…).

Những nội dung trong báo cáo mà trang VNTB đưa ra và những báo cáo bóng (Shadow Report) gửi lên Liên Hợp Quốc gần đây đều phản ánh sai lệch, thiếu khách quan, xuyên tạc thực tế về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Là một nước có chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam có quyền tự quyết các vấn đề nội bộ của mình và không chịu sự can thiệp của bất kỳ nước nào khác. Đây là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và được các nước thành viên Liên Hợp Quốc tôn trọng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *