Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
9933

Nghĩa tình Việt Nam -Cuba không thể đong đếm, xuyên tạc!

Nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (14-19/4), Chân Trời Mới Media dựng đứng cái gọi là “Báo đảng giấu biệt số tấn gạo mà Quang mang qua làm quà tặng” (trong chuyến thăm này).

Tặng gạo cho nhân dân Cuba – những người từng vì Việt Nam “sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” – thì có gì phải giấu? Tặng gạo cho nhân dân Cuba – quốc gia cử chuyên gia y tế sang giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 – đồng thời, tặng thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 và cung cấp 5 triệu liều vaccine Abdala trong thời điểm đại dịch COVID-19 nóng bỏng – một việc làm phải về nghĩa tình, đúng về đạo lý – mà phải lén lút sao, hỡi những cái đầu tăm tối, đầy dã tâm của Nguyen Ken, Chân Trời Mới Media?

Việt Nam từng nhiều lần tặng gạo cho Cuba. Lần nào cũng đàng hoàng và công khai, không hề che giấu. Gần đây nhất, tháng 4 năm ngoái, nhân chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và  Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, phía Việt Nam đã chẳng loan tin tức thì và rộng rãi việc Việt Nam quyết định tặng nhân dân Cuba anh em món quà 5.000 tấn gạo, trao tượng trưng 300 máy tính bảng Quốc hội Việt Nam tặng Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp của Cuba; và quà của các bộ, ngành Việt Nam tặng các đối tác phía Cuba đó sao?

Lần này, trong chuyến thăm Cuba của ông Trần Lưu Quang, liên quan câu chuyện gạo thóc, thông tin đã nêu rõ: Phó Thủ tướng Cuba – ông Ricardo Cabrisas – đã “cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc duy trì cung cấp gạo thương mại ổn định đồng thời giúp phát triển sản xuất lương thực và thủy sản tại Cuba…”.

“Gạo thương mại ổn định” là gì, Chân Trời Mới Media cố tình bóp méo thành cái gọi là “Tại cuộc gặp, Quang hứa hẹn về các đợt viện trợ gạo và cung ứng ổn định gạo cho Cuba trong thời gian tới”?

Chưa hết, dã tâm của Chân Trời Mới Media còn phơi bày ở chỗ, đang từ chuyện  Cuba nơi Tây bán cầu, họ làm cú ngoặt vụng về và bất ngờ về Đông bán cầu hòng kích động dư luận Việt Nam, cũng bằng một thông tin vu khống: “Trong khi Miền Tây dân đang thiếu nước không thấy chánh phủ hỗ trợ cho dân, toàn dân giúp dân”.

Nếu Chính phủ không quan tâm tình hình hạn, mặn, việc gì ngày 15/1/2024, ông thủ tướng Phạm Minh Chính phải thân ký Công điện 04/CĐ-TTg năm 2024 chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó, yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo dõi, chủ động triển khai công tác ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng cao điểm mùa khô tới, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể?

Nếu Chính phủ không quan tâm tình cảnh khó khăn của miền Tây mùa khô năm nay, việc gì những ngày đầu tháng 4, đoàn công tác do ông Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu phải chạy đôn chạy đáo kiểm tra tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn, cùng đó là các cuộc làm việc hối hả với các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau…để bàn giải pháp khắc phục?

Nếu Chính phủ không sốt ruột trước tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn, việc gì phải chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí nghiên cứu, đánh giá, tuyên truyền các giải pháp khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn (như Hội thảo “Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức ngày 27/3/2024, tại thành phố Cần Thơ – thủ phủ của miền Tây) khiến cả nước vô cùng quan tâm trong sự sốt ruột?

Nếu Chính phủ không quan tâm tìm cách hỗ trợ người dân miền Tây, tại sao từ cách đây vài năm, vùng ĐBSCL đã được đầu tư nhiều công trình thủy lợi quy mô để ứng phó với hạn mặn, như: Dự án hệ thống cống âu thuyền Ninh Qưới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), vốn đầu tư hơn 400 tỉ đồng; các cống thuộc Tiểu dự án Măng Thít ở tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh; Dự án Bắc Bến Tre; Trạm Bơm Xuân Hòa ở Tiền Giang…, tất cả đã hoàn thành vào cuối năm 2019?

Đặc biệt, công trình dự án cống Cái Lớn – Cái Bé được xây dựng tại Châu Thành, Kiên Giang, vốn đầu tư 3.300 tỉ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nhằm mục tiêu kiểm soát, điều tiết nước cho gần 400.000 ha đất ở vùng bán đảo Cà Mau, khánh thành  5/3/2022 đang mang lại hiệu quả to lớn. Sau dự án được coi là “siêu cống” miền Tây này, được biết, Bộ NNPTNT, theo chỉ đạo của Chính phủ, đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2, mở rộng vùng hưởng lợi, hoàn thiện hệ thống; xây dựng mô hình quản lý các công trình thuỷ lợi liên tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Một khi những công trình đó được hoàn thành đồng bộ, đành là chưa hết khó, nhưng chắc chắn, hậu quả thiên tai sẽ được hạn chế nhiều lắm; và có thể hình dung người dân miền Tây sẽ hân hoan như thế nào!

Những gì làm được cho người dân miền Tây là chưa đủ. Tuy nhiên, đó vẫn là những bằng chứng sinh động cho thấy Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền không chỉ dành tình cảm, sự quan tâm, mà còn đã, đang và sẽ làm nhiều việc cụ thể, thiết thực giúp người dân nơi này thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác được hết tiềm năng, cải thiện cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Vậy nên, dù có bóp méo, xuyên tạc sự thật nhiều hơn thế, Chân Trời Mới Media cũng không bao giờ đạt được mục tiêu đen tối của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *