Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
69118

Quan hệ Việt Nam–Hoa Kỳ, 25 năm nhìn lại Kỳ 2″Ngày hôm nay, tôi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam”

Một trong những rào cản lớn nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù là vấn đề tù nhân và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), từng được nêu lên như điều kiện tiên quyết trong các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ những năm 1977-1978.

Một buổi lễ hồi hương hài cốt lính Mỹ tháng 2/1995 tại sân bay Nội Bài (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Một buổi lễ hồi hương hài cốt lính Mỹ tháng 2/1995 tại sân bay Nội Bài (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

http://139.180.155.25/quan-he-viet-nam-hoa-ky-25-nam-nhin-lai-ky-1-nhung-nguoi-my-nhieu-duyen-no-voi-viet-nam-noi-lai-nhip-cau.html

Một báo cáo năm 1973 cho rằng có 1.303 lính Mỹ mất tích. Năm 1978, con số được đưa ra là 224 người. Đến năm 1987, con số thống kê chính thức lính Mỹ mất tích là 269 người.

Nhưng nhiều cựu chiến binh và các gia đình có người mất tích từ chối tin vào bất kỳ tuyên bố nào của chính phủ Mỹ. Theo thời gian, những giai thoại được thêu dệt dần lấn át thực tế.

“POW/MIA giống như một “bóng ma” ám ảnh nước Mỹ thời hậu chiến. Những câu chuyện được thêu dệt không một chút bằng chứng nào nhưng lại được lưu truyền rộng rãi trong xã hội Mỹ về việc Việt Nam vẫn còn giam lỏng tù binh sau chiến tranh” – ông Vallely, “cha đẻ” của trường Fulbright, người sát cánh cùng Thượng nghị sĩ John Kerry trong những nỗ lực vận động bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nhớ lại.

Trong suốt thập niên 70 và 80 của thế kỉ trước, các bộ phim Rambo góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh về những lán trại trong rừng sâu, nơi những lính Mỹ hốc hác vì đói khát bị giam giữ trong các chuồng cọp.

Tìm kiếm những lính Mỹ mất tích thậm chí còn trở thành một ngành kinh doanh của những kẻ vô lương tìm cách kiếm lời trên nỗi đau và mong ngóng của các gia đình thân nhân lính Mỹ.

“Những nỗ lực giải quyết vấn đề POW/MIA qua 5 đời Tổng thống Mỹ thường xuyên bị chính trị hóa một cách vô vọng” – ông Vallely kể.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ - ảnh 1
Một buổi lễ hồi hương hài cốt lính Mỹ tại sân  bay Nội Bài ngày 12/4/1994. (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan chỉ định Đại tướng John Vesey, cựu Tổng Tham mưu trưởng Liên quân làm Đặc phái viên đến Việt Nam giải quyết vấn đề POW/MIA. Ông Vessey sau đó tiếp tục được tái bổ nhiệm vào vị trí này dưới thời Tổng thống Bush (cha) và Clinton.

Trong vai trò của mình, Đại tướng Vessey đã có những đóng góp lớn nhằm giải quyết chướng ngại lớn nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, với sáng kiến Vessey, nhằm mở đường cho hai nước xích lại gần nhau hơn, bao gồm cả việc tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh, hay Operation Smile, đưa bác sĩ Mỹ sang mổ cho trẻ em khuyết tật (hở hàm ếch) của Việt Nam.

Mặc dù vậy, những năm đầu, “ông Vessey liên tục bị cản trở bởi nhóm thân cận quanh Tổng thống Reagan”, ông Vallely kể. “Họ muốn kéo dài cuộc chiến thêm một thời gian nữa”.

Bất cứ khi nào Hà Nội tiến gần đến việc hoàn tất những yêu cầu mà phía Mỹ đòi hỏi để bình thường hóa quan hệ, Washington lại tiếp tục đưa ra những đòi hỏi cao hơn.

Tháng 7/1991, một bức ảnh chụp 3 người Mỹ được cho là tù nhân chiến tranh đang bị giam giữ được lan truyền khắp nơi. Thân nhân của những người bị giam giữ lên tiếng xác nhận. Thậm chí, con gái của một đại tá không quân còn lên chương trình “Good Morning America” nói rằng “Đó là bố tôi”.

Mặc dù sau này người ta phát hiện ra sự thực rằng những kẻ lừa đảo người Campuchia đã chỉnh sửa bức ảnh 70 năm tuổi chụp 3 nông dân người Nga, vấn đề POW/MIA một lần nữa thổi bùng lên căng thẳng và bị chính trị hóa cao độ.

Trong cuốn sách “Những người tù của Hy vọng”, tác giả Susan Katz Keating cho biết: một cuộc thăm dò dư luận vào đầu thập niên 90 thế kỉ trước cho thấy 70 phần trăm công luận Mỹ tin rằng tù nhân chiến tranh vẫn đang bị giam giữ đâu đó ở Đông Nam Á.

Thượng nghị sĩ Bob Smith, người chống bình thường hóa quan hệ với Việt Nam kêu gọi mở một cuộc điều tra khác. Ủy ban đặc biệt về vấn đề POW/MIA trực thuộc Thượng viện Mỹ được thành lập.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ - ảnh 2
John Kerry (phải) bước ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam với tư cách một lãnh tụ phản chiến.

Thượng nghị sĩ John Kerry được mời làm Chủ tịch Ủy ban đặc biệt này. Bỏ ngoài tai lời khuyên của thuộc cấp cho rằng một ủy ban như vậy sẽ là “hố sâu chính trị có thể kéo lùi sự nghiệp”, Thượng nghị sĩ Kerry đã nhận lời lãnh đạo Ủy ban này. Bà Frances Zwenig, thư kí của ông John Kerry và sau đó là Giám đốc nhân sự của Ủy ban đặc biệt về POW/MIA kể lại.

Thượng nghị sĩ John McCain cũng được triệu tập tham gia Ủy ban. Trước đó, ông đã từng đến Việt Nam, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hà Nội để hỗ trợ cho các nỗ lực của Tướng Vessey.

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam không bao giờ hiểu nổi tại sao lại có những lời cáo buộc họ vẫn còn giam giữ tù nhân bí mật. Hết lần này tới lần khác, họ hỏi tôi: Tại sao chúng tôi phải giam giữ họ chứ?” – ông John MCain nhớ lại.

Hơn ai hết, ông McCain thấu hiểu những khó khăn khi phải thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam hợp tác điều tra số phận của vài trăm lính Mỹ mất tích, điều mà Hà Nội không thể làm được cho hàng trăm nghìn người lính mất tích phía mình.

Ông cũng biết rằng những người theo đạo Phật tin rằng khi một thi hài không được chôn cất hay mai táng tử tế thì linh hồn của họ sẽ vĩnh viễn không được siêu thoát. Bởi vậy, số phận của những người con Việt còn mất tích có ý nghĩa quan trọng không kém đối với những gia đình Việt Nam.

Tháo ngòi nổ POW/MIA

“Trước khi Ủy ban đặc biệt được thành lập, người ta dễ dàng tin tưởng ngay lập tức bất kỳ một lời cáo buộc hay câu chuyện nào về POW/MIA dù hoang đường hay ngớ ngẩn tới đâu. Nhưng bằng những nỗ lực bền bỉ của mình, John Kerry đã làm cho người Mỹ dần dần ý thức hơn về thực tế” – ông McCain kể lại với người bạn Mark Salter, tác giả cuốn sách tiểu sử về ông.

Trong suốt hai năm 1991-1992, Thượng nghị sĩ John Kerry đã đến Việt Nam tám lần; giám sát việc kiểm tra hàng ngàn tài liệu và tấm ảnh; lắng nghe điều trần từ các thân nhân người mất tích, các lãnh đạo các tổ chức cựu chiến binh, các nhân viên tình báo và cả những người tham gia đàm phán Hiệp đình hòa bình Paris.

Ông cũng cho triệu tập hàng trăm người, và lần đầu tiên buộc những người đã từng điều hành cuộc chiến tranh phải ra điều trần, trong đó có cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger.

Một trong những chuyến đi đặc biệt ấn tượng đối với ông Kerry, theo ông Vallely kể lại, là cuộc gặp với cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh ngày 18/11/1992. Ở thời điểm đó, Chính phủ Mỹ hoài nghi những cáo buộc từ một số tướng lĩnh cũ của Việt Nam Cộng hòa rằng “Việt Nam đang giam giữ một số sĩ quan Mỹ tại thành Hoàng Diệu”.

Tại cuộc gặp, ông Kerry bày tỏ mong muốn được vào thăm Thành cổ Hà Nội, nơi đang là đại bản doanh của Bộ Quốc phòng Việt Nam và công trình ngầm dưới Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước sự ngạc nhiên của phía Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã chấp thuận và mời ông Kerry cùng Thượng nghị sĩ Bob Smith tới thị sát hai nơi này.

“Đó là một quyết định vô cùng nhạy cảm và dũng cảm về mặt chính trị của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Không nghi ngờ gì nữa, hành động đó có sức thuyết phục đối với phía Mỹ rằng Việt Nam sẵn sàng và thiện chí hợp tác giải quyết vấn đề POW/MIA” – ông Vallely nhận xét.

Trong mọi cuộc thảo luận của Ủy ban đặc biệt, theo bà Frances Zwenig, ông Kerry luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các thành viên Ủy ban – cả Dân chủ lẫn Cộng hòa – đều cần ký vào bản báo cáo.

“Ông ấy hiểu rằng, chỉ cần có một hai thượng nghị sĩ không kí là những kẻ cực đoan chống phá bình thường hóa sẽ nhảy bổ vào người đó” – bà Zwenig giải thích.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ - ảnh 3
Từ năm 1993, một lá cờ Mỹ đã được nhìn thấy treo song song cùng một lá cờ Việt Nam trước cửa công ty tư vấn Vatico (Mỹ) trên phố Nguyễn Khuyến – Hà Nội (Ảnh chụp ngày 6/5/1993) (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Bản báo cáo dài 1.223 trang, được Ủy ban công bố ngày 13/1/1993, có chữ ký đồng thuận của tất cả các thành viên. Báo cáo khẳng định “không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho thấy bất kỳ người Mỹ nào còn sống sót và bị giam giữ ở Đông Nam Á”.

Kết luận của Ủy ban đặc biệt cuối cùng đã loại trừ được vấn đề tù binh Mỹ bị lãng quên ra khỏi các cuộc tranh cãi chính trị nhưng tiến trình để đi đến kết luận đó cũng có ý nghĩa quan trọng không kém.

Thực chất, Thượng nghị sĩ Kerry và Thượng nghị sĩ McCain đã dẫn dắt những giai đoạn cuối cùng trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh của nước Mỹ, bằng cách cung cấp một diễn đàn, nơi những câu chuyện cuối cùng chưa được kể của những người chết trong cuộc chiến đã được kể lại.

Trò chơi chính trị vào phút chót

Sau khi Ủy ban Đặc biệt về POW/MIA của Thượng viện hoàn tất những công việc sau cùng, việc kế tiếp sẽ là Tổng thống Mỹ ra quyết định gỡ bỏ cấm vận, tạo điều kiên cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Khi đó, tất cả đều nghĩ rằng, việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đã nằm trong tầm tay. Nhưng vào phút cuối, ông Bush (cha) đã quyết định gác lại, không kí văn bản. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992, ông Bush bị một nhóm các nhà hoạt động POW/MIA la hét phản đối.

Có lẽ, như ông Vallely lý giải, ông Bush đã quyết định “để lại đống hỗn độn này cho người kế nhiệm giải quyết. Bill Clinton chưa từng tham chiến, thậm chí còn bị dư luận chỉ trích vì trốn quân dịch, nên ít nhiều sẽ gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề POW/MIA, khi đối diện với những gia đình thân nhân lính Mỹ”.

Mang mặc cảm thất hứa với Việt Nam, nhóm nghị sĩ Mỹ tiếp tục nỗ lực vận động tổng thống mới, ông Bill Clinton gỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Đầu nhiệm kỳ, Clinton từng bị các lãnh đạo nhóm cựu chiến binh cảnh cáo không được xuất hiện tại Tượng đài tưởng niệm Cựu binh Việt Nam. Ngay khi nghe được điều này, ông Kerry và ông McCain đã tháp tùng Clinton đến dự sự kiên cho đến phút cuối cùng.

Ngày 11/6/1993, hai tuần sau khi Kerry và McCain trở về từ Việt Nam, hai thượng nghị sĩ ra sức thuyết phục Tổng thống dỡ bỏ cấm vận. Hai ông đưa ra những lý do về kinh tế và địa chính trị cũng như nhấn mạnh vào vấn đề danh dự quốc gia, rằng phía Việt Nam đã thực hiện đầy đủ tất cả những gì mà phía Mỹ yêu cầu trong việc giải quyết vấn đề lính Mỹ mất tích.

Nhưng Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Smith, phó chủ tịch Ủy ban Đặc biệt, kêu gọi Clinton “đừng để bị mắc lừa” và chống lại việc dỡ bỏ cấm vận.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ - ảnh 4
Những năm đầu của thập kỷ 90 (thế kỷ trước), tháng nào cũng có những đợt hồi hương hài cốt lính Mỹ được tìm thấy ở Việt Nam. Ảnh chụp một buổi hồi hương hài cốt ngày 8/6/1993  tại sân bay Nội Bài (Ảnh: Hoàng Đình Nam/ AFP)

Một tuần sau, ngày 19/6, Tổng thống Clinton đến Boston để phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Northeastern. Thượng nghị sĩ bang Massachusetts, ông John Kerry, tháp tùng Tổng thống.

“Ông Kerry đã dành toàn bộ thời gian có được với Tổng thống phía sau sân khấu để thuyết phục ông Clinton đồng ý bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Đó là một phần thuyết trình trực diện và có sức thuyết phục mạnh mẽ” – ông Vallely nhớ lại. Nhưng mùa hè và mùa thu năm đó, ông Clinton vẫn không đưa ra cam kết nào.

Tháng 1/1994, hai ông Kerry và McCain đồng bảo trợ một nghị quyết thúc giục Tổng thống gỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Một nhóm cựu binh tìm cách chống lại, lôi kéo sự ủng hộ của lãnh đạo đảng Cộng hòa. Nhưng sự bảo trợ của McCain đã thuyết phục 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu tán thành. Nghị quyết được thông qua với 62/38 phiếu thuận, trao cho Tổng thống “lá chắn chính trị mà ông cần để dỡ bỏ cấm vận”.

Vào ngày 4/2/1994, Tạp chí Time giật tít trang nhất “Clinton tháo bỏ lệnh cấm vận kéo dài 19 năm với Việt Nam”. Phía trên là bức ảnh nổi tiếng thế giới về cuộc chiến Việt Nam: hình ảnh một cô bé trần truồng đang chạy về phía ống kính, giữa những đứa trẻ khác, nhằm chạy thoát khỏi cuộc ném bom napalm năm 1972.

Thế nhưng, những lực cản từ chính trị nội bộ Mỹ vẫn tiếp tục dai dẳng.

Bob Dole, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện khi đó phát biểu rằng việc dỡ bỏ cấm vận là “một quyết định sai tại một thời điểm sai lầm vì một lý do sai trái”. Mùa Xuân năm 1995, ông ta và Thượng nghị sĩ Phil Gramm giới thiệu một dự luật yêu cầu Clinton không công nhận đầy đủ về mặt ngoại giao đối với Việt Nam.

Ngày 23/5/1995, hai ông Kerry và McCain gặp ông Clinton tại phòng Bầu dục nhằm thuyết phục Tổng thống bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Thượng nghị sĩ McCain đã nói: “Ngài Tổng thống, việc ai ủng hộ hay ai chống cuộc chiến tranh này không còn quan trọng đối với tôi nữa. Tôi đã mệt mỏi với việc phải nhìn lại quá khứ trong nỗi giận dữ rồi. Điều quan trọng hơn cả là giờ chúng ta phải tiến về phía trước”.

Trước sự chứng kiến của nhiều người có mặt hôm đó, Tổng thống dường như bị cảm động bởi những lời tâm huyết của ông McCain dù không đưa ra lời hứa nào, ông Vallely nhớ lại.

Kỳ 2: “Bóng ma” POW/MIA, “cuộc chiến” dai dẳng trong lòng nước Mỹ - ảnh 5
“Ngày hôm nay, tôi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam”, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố ngày 11/7/1995.

Cuối cùng, ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton triệu tập các thành viên chính phủ, các lãnh đạo quân đội, quốc hội, các nhóm cựu chiến binh tới Nhà Trắng.

Đứng trên bục, ông tuyên bố: “Ngày hôm nay, tôi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Khoảnh khắc này đem lại cho chúng ta cơ hội để khép lại những vết thương quá khứ. Những vết thương này đã âm ỉ quá lâu. Giờ đây chúng ta có thể tiến về phía trước trên một nền tảng chung. Hãy để chúng ta bỏ lại đằng sau những gì từng chia rẽ chúng ta trước kia. Hãy để khoảnh khắc này, như lời kinh thánh nói, là thời khắc để hàn gắn, và thời khắc để dựng xây tương lai”.

Tường Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *