Ngày 04/3/2021 khai mạc Kỳ họp hàng năm của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Kỳ họp lần này có một ý nghĩa quan trọng khác thường đối với Trung Quốc không chỉ bởi năm nay là kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và là năm hoàn thành mục tiêu “100 năm” thứ nhất mà ông Tập Cận Bình tuyên bố (hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện), mà còn bởi Kỳ họp này sẽ thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 14 (Kế hoạch) và Mục tiêu Tầm nhìn 2035. Những điều chỉnh, những nội dung mới trong Kế hoạch và Tầm nhìn 2035 có thể tóm lược trong hai trọng tâm là dốc sức cho khoa học công nghệ và dựa vào năng lực tự thân.
Nâng đời sống và phúc lợi của người dân lên một tầm cao mới
Trong 6 trụ cột mới được nêu lên trong Kế hoạch, nội dung về phát triển con người và cải thiện dân sinh được sự quan tâm của lãnh đạo Trung Quốc. Trong đó đáng chú ý là các nội dung về (i) cải thiện đời sống, (ii) nâng cao văn hóa, (iii) phát triển môi trường xanh và bền vững hơn cho người dân, (iv) xây dựng môi trường chính trị lấy con người làm trung tâm.
Đầu tiên, Kế hoạch xác định phải nâng đời sống và phúc lợi của người dân lên một tầm cao mới. Cần đạt được mục tiêu việc làm toàn dụng và chất lượng cao hơn. Tăng trưởng thu nhập của người dân và tăng trưởng kinh tế cơ bản đồng bộ, cơ cấu phân bổ được cải thiện rõ rệt, mức độ bình đẳng của các dịch vụ công cơ bản được cải thiện rõ rệt, trình độ dân trí của toàn dân không ngừng được cải thiện, hệ thống an sinh xã hội đa tầng ngày càng hoàn thiện, hệ thống y tế được cải thiện. Mặc dù đã tuyên bố giảm tỷ lệ người nghèo xuống dưới 1% dân số nhưng trong Kế hoạch lần này, Trung Quốc tiếp tục xác định sẽ cải thiện, củng cố và mở rộng kết quả xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh toàn diện chiến lược chỉnh trang nông thôn.
Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội ăn sâu vào lòng dân
Sau khi cải thiện đời sống vật chất thì đời sống tinh thần và trình độ văn minh xã hội mới cũng cần được nâng cao. Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội ăn sâu vào lòng dân, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, trình độ khoa học, văn hóa, thể chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt, hệ thống công vụ văn hóa và hệ thống công nghiệp văn hóa ngày càng hoàn thiện, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng trở nên phong phú, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc ngày càng tăng lên, tính cố kết của dân tộc Trung Quốc càng được nâng cao.
Cần đạt được những tiến bộ mới trong công cuộc xây dựng văn minh sinh thái. Mô hình phát triển bảo vệ đất đai, không gian được tối ưu hóa, chuyển đổi xanh trong sản xuất và lối sống phải đạt kết quả đáng kể, phân bổ nguồn năng lượng hợp lý hơn, hiệu quả sử dụng được cải thiện đáng kể, tổng lượng thải các chất ô nhiễm lớn đã tiếp tục giảm, môi trường sinh thái tiếp tục được cải thiện.
Cuối cùng, tăng cường lấy con người làm trung tâm. Trung Quốc xác định cần kiên trì với vị trí trung tâm của nhân dân, tuân theo phương hướng thịnh vượng chung, luôn vì nhân dân mà phát triển, phát triển phụ thuộc vào nhân dân, thành quả phát triển là do nhân dân chia sẻ, bảo vệ lợi ích cơ bản của nhân dân, khơi dậy lòng hăng hái, chủ động, sáng tạo của mọi người, thực hiện công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Không ngừng thực hiện mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân.