Việc ngày 25/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Qui định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, kế thừa, bổ sung, phát triển qua thực tế thực hiện Quyết định số 47-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm, trong đó có một số nội dung mới được bổ sung, nhất là điều 3 và điều 13. Ngay lập tức, Quy định 37 này trở thành mục tiêu công kích, đả phá của trang nhóm chống Đảng, Nhà nước.
Facebook Việt Nam Thời Báo, ngày 02/11/2021 đăng bài: “Vì sao người làm ăn thành đạt, khá giả, có địa vị xã hội nhưng lại không mặn mà vào Đảng?” của Phạm Lê Đoan, trong đó dẫn ý kiến được cho là của cựu trưởng văn phòng đại diện tại TP.HCM của một tờ báo chuyên mảng pháp luật, cho rằng: “Tôi không vào Đảng vì nếu là đảng viên tôi sẽ bị hạn chế về những quyền đã được hiến định” để cho rằng, cũng vì thế mà tầng lớp trung lưu làm ăn thành đạt, khá giả, có địa vị xã hội nhưng lại không mặn mà vào Đảng(!), căn cứ chứng minh cho lý do này là dẫn một vài điều của Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về những điều đảng viên không được làm”.
Ngày 30/10/2021, trên youtube của Việt Tân cũng bình luận xiên xẹo, công kích Quy định 37, xuyên tạc điều 3 là cấm đảng viên không được phản bác, xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cho đó là đảng viên bị tước đoạt quyền phản biện, quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến….
Qua một vài ví dụ trên, giống như các luận điệu họ từng công kích nhiều năm trước đây, rằng đảng viên bị tước đoạt quyền công dân hay Đảng đứng trên Hiến pháp, pháp luật. BBT xin trích ý kiến của ông Nguyễn Văn:
Thứ nhất, họ đã nhầm khi cho rằng vào Đảng là “bị hạn chế về những quyền đã được hiến định”. Là đảng viên, trước hết phải là công dân, nên có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân, nhưng không phải công dân bình thường mà phải là công dân ưu tú. Điều đó có nghĩa là ngoài chấp hành hiến pháp, pháp luật còn chấp hành quy định, kỷ luật của Đảng. Nnhưng không vì thế mà mất đi, hay bị hạn chế quyền công dân. Quyền nào đó của công dân, mà cho rằng bị hạn chế là do họ không nhìn thấy đảng viên biểu đạt quyền công dân ấy trong tổ chức của đảng, có kỷ luật chặt chẽ trong phát ngôn công khai theo quy định của Đảng. Bởi vì, vào Đảng là tự nguyện của mỗi công dân, khi đã chấp nhận vào Đảng là đã chấp nhận ngoài chấp hành hiến pháp, pháp luật còn phải chấp hành nguyên tắc, tổ chức và kỷ luật của Đảng một cách tự giác, nghiêm minh. Khi đã tự nguyện chấp hành điều đó thì bản thân mỗi người thấy hoàn toàn thỏa mái, tự do. Điều này cũng tương tự như khi người sử dụng một dịch vụ nào đó của mạng xã hội thì tự nguyện chấp nhận các điều khoản mà nhà cung cấp dịch vụ đưa ra, chẳng hạn như điều khoản của dịch vụ facebook, zalo… đưa ra chẳng hạn. Song điều đó không làm hạn chế quyền công dân đã được Hiến pháp hiến định.
Việc viện dẫn một số điều như Điều 1, Điều 3 như phải “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép” hoặc cấm đảng viên không được phản bác, xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, … để chứng minh đảng viên đã bị hạn chế về quyền hiến định tại Điều 16.2 là “bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” của Hiến pháp 2013(!). Thực tế thì, để có “Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng” thì mỗi đảng viên đã được nghiên cứu, dân chủ thảo luận ngay ở chi bộ đảng viên sinh hoạt để thống nhất thực hiện. Hoặc điều ấy đảng viên đã ủy quyền cho tổ chức của mình thực hiện, nghĩa là thực hiện quyền dân chủ gián tiếp. Trong thảo luận nếu còn ý kiến khác nhau, thì phải biểu quyết, kết luận theo nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số. Đảng viên có ý kiến khác với ý kiến của đa số có quyền bảo lưu ý kiến của mình, nhưng không được phổ biến ý kiến của cá nhân và phải chấp hành ý kiến của tập thể. Quy định đã rõ ràng như vậy, chẳng nhẽ anh lại phủ nhận chính ngay kết luận của tập thể mà mình đã được thảo luận sao? Mà đã được thảo luận dân chủ thì làm sao lại gọi là bị hạn chế quyền công dân? Và tất nhiên đã là đảng viên, là công dân thì ai ai cũng phải chấp hành pháp luật, có nghĩa là không được “làm những việc mà pháp luật không cho phép”. Như vậy, Điều 1, điều 3 của Quy định số 37-QĐ/TW không làm hạn chế quyền công dân đã được Hiến pháp, pháp luật đã quy định.
Việc cho rằng “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” theo Điều 28.1, Hiến pháp 2013, vậy thì lẽ nào đảng viên lại không được cái quyền “kiến nghị”, nếu như nội dung kiến nghị đó có thể “nghịch” với nghị quyết, quy chế, quyết định của Đảng?”.
Viết thế là họ chưa hiểu bản chất của vấn đề. Đảng viên hoàn toàn có quyền “kiến nghị” cho dù nội dung kiến nghị đó có thể “nghịch” với nghị quyết, quy chế, quyết định của Đảng. Có điều là nếu đảng viên có kiến nghị thì phải kiến nghị trong tổ chức của Đảng, chứ không phải bạ đâu kiến nghị đó, chưa kiến nghị trong tổ chức đảng mình sinh hoạt đã vội vàng đưa lên mạng xã hội, một cách thiếu tổ chức thì phải xử lý theo quy định của Đảng. Mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia đề có quy định riêng. Chẳng thế mà có câu: “Nước có quốc pháp, gia có gia phong” và “Nhập gia tùy tục” và trong văn hóa người Việt ta phê phán thói: “Trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã thông” để nói gia phong không được giữ gìn. Là người Việt Nam ta, ai cũng biết rõ điều đó. Vì thế, chẳng nhẽ cứ vin vào quyền công dân đã được hiến định để mượn cớ “kiến nghị” rồi “kiến nghị” không đúng lúc đúng chỗ sao? Như thế có phải văn hóa Việt Nam không? Chưa cần đề cập đến văn hóa Đảng.
Thứ hai, quy định 37 có phải là Đảng đứng trên Hiến pháp, ngoài pháp luật?
Lâu nay, tồn tại một loại ý kiến là Đảng đứng trên Hiến pháp, ngoài pháp luật(!). Đó là sự hàm hồ. Bởi như trên đã cho thấy, mỗi đảng viên, tổ chức đảng và toàn Đảng không chỉ phải chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật như mọi công dân, tổ chức chính trị – xã hội khác mà còn chấp hành Điều lệ, nguyên tắc tổ chức, kỷ luật và quy định của Đảng. Nói cách khác là đảng viên, tổ chức đảng phải chấp hành Hiến pháp, pháp luật cao hơn một mức so với công dân, tổ chức chính trị – xã hội khác. Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về “Những điều đảng viên không được làm” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII không làm hạn chế quyền công dân đã được Hiến pháp, pháp luật đã hiến định./.