Các thế lực chống phá Việt Nam đã và đang xuyên tạc, công kích rằng, chế độ chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang xây dựng chỉ là cái vỏ bọc, giai cấp công nhân bị bỏ quên và đang bị bóc lột….Mưu đồ thấy rõ là công kích, chia rẽ, phủ nhận đường lối, chính sách, nền tảng tư tưởng, chế độ chính trị mà Đảng, Nhà nước ta đang theo đuổi, hướng tới.
Ngay từ khi thành lập Đảng đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt phải giáo dục ý thức làm chủ cho công nhân, trong đó bao gồm giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin; đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; ý thức làm chủ; đạo đức cách mạng; tinh thần đoàn kết… Từ khi hòa bình đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đảng ta chưa bao giờ lơ là chỉ đạo, định hướng và thúc đẩy quyền làm chủ cho công nhân, nhất là trong các khu công nghiệp hiện nay.
Nội dung giáo dục quyền làm chủ cho công nhân bao gồm giáo dục tinh thần phụ trách, quyết tâm vượt khó để nâng cao năng suất lao động; giáo dục tinh thần bảo vệ của công và tôn trọng kỷ luật lao động; giáo dục tinh thần tích cực học tập để nâng cao trình độ tay nghề…
Qua một số cuộc kháo sát cho thấy, việc giáo dục quyền làm chủ cho công nhân còn hạn chế. Chẳng hạn, ở 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao Hà Nội với tổng số lao động là 159.386 người, tính đến tháng 10-2020, kết quả khảo sát của Đảng ủy các KCN Hà Nội năm 2018 về giáo dục tinh thần thi đua yêu nước cho công nhân cho thấy, hoạt động này đã được các cấp ủy đảng, tổ chức Công đoàn, Ban quản lý các KCN quan tâm, nên nhiều công nhân đã nhận thức tốt và rất tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất như phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo, Giỏi việc nước, đảm việc nhà, Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phong trào văn hóa, thể thao…. Tuy nhiên, mức độ, tần suất giáo dục tinh thần thi đua yêu nước cho công nhân chưa thường xuyên. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 13,9% công nhân được khảo sát đánh giá mức độ “thường xuyên”, có 33,8% đánh giá mức độ “thỉnh thoảng”, 20,3% đánh giá “hiếm khi”, và còn 32% đánh giá mức độ “không bao giờ”. Như vậy, tỷ lệ công nhân được giáo dục về tinh thần thi đua yêu nước chưa cao. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho năng suất lao động của Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực vẫn rất thấp.
Giáo dục tinh thần bảo vệ của công và tôn trọng kỷ luật lao động. Theo số liệu báo cáo và qua điều tra về tai nạn lao động năm 2017, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã xảy ra 254 vụ tai nạn lao động, làm 31 người chết, 238 người bị thương; 19 vụ tai nạn giao thông được hưởng chế độ tai nạn lao động; 01 vụ cháy nghiêm trọng làm 08 người chết, 02 người bị thương nặng. Ngoài ra, số người bị mắc bệnh nghề nghiệp trên địa bàn thành phố là 81 người. Qua số liệu cho thấy, tình trạng thiếu kỷ luật lao động của công nhân tại Hà Nội vẫn tồn tại. Mặc dù vậy, công tác giáo dục tinh thần tôn trọng kỷ luật lao động cho công nhân các KCN Hà Nội hiện nay vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Theo kết quả khảo sát, số công nhân được tuyên truyền, giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật thường xuyên là 44,7%; số công nhân thỉnh thoảng mới được giáo dục chiếm 28,7%. Số công nhân trả lời là không bao giờ được giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật chiếm 13,9%.
Giáo dục tinh thần tích cực học tập để nâng cao trình độ tay nghề. Thời gian qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm tới công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Phần lớn người lao động trong các KCN Hà Nội có trình độ văn hóa là trung học phổ thông và trung học cơ sở (chiếm trên 85%). Mặc dù vậy, so với mặt bằng dân trí chung của Hà Nội thì trình độ học vấn của công nhân, lao động trong các KCN còn thấp(24). Công tác giáo dục tinh thần tích cực học tập để nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân vẫn cần triển khai mạnh mẽ.
Như vậy, qua khảo sát ở các KCN Hà Nội cho thấy, công tác giáo dục tinh thần là chủ và làm chủ cho công nhân đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần khắc phục. Nguyên nhân của những hạn chế như vẫn còn tình trạng thiếu vai trò của tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội trong một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên công tác giáo dục chính trị, tư tưởng rất khó triển khai; đội ngũ cán bộ công đoàn ở các KCN còn khá mỏng về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng, cán bộ công đoàn ở nhiều doanh nghiệp phải kiêm nhiệm nhiều việc, phải đảm đương nhiều trách nhiệm ở lĩnh vực chuyên môn, đảng – đoàn thể; nguồn kinh phí cho giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân trong cơ cấu nguồn lực chung dành cho công nhân còn ít; việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước cho công nhân còn chưa hiệu quả, chủ yếu là do áp lực về định mức lao động, thời giờ làm việc đối với công nhân, lao động luôn ở mức cao, trong khi nội dung, hình thức thi đua nhiều nơi còn đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn, chưa phù hợp với đối tượng, công việc, ngành nghề đặc thù; một bộ phận công nhân chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của mình trong xã hội, họ cho rằng mình là người lao động làm thuê nên không cần tham gia các hoạt động giáo dục chính trị, trong đó có giáo dục ý thức làm chủ…
Để nâng cao hiệu quả công tác này, một trong số những giải pháp đã được đưa ra và đang nỗ lực triển khai là cần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tổ chức, triển khai giáo dục ý thức làm chủ cho công nhân. Tuyên truyền, giáo dục công nhân là chức năng của tổ chức công đoàn. Công đoàn phải làm tốt công tác tư tưởng, để chủ doanh nghiệp hiểu rằng việc giáo dục chính trị cho công nhân nói chung, giáo dục ý thức làm chủ của công nhân là hướng tới mục đích tích cực, phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, từng bước tạo sự tin tưởng, quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của chủ doanh nghiệp đối với tổ chức công đoàn trong các hoạt động.
Công đoàn cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, về bản lĩnh, trình độ chính trị, hiểu biết chính sách, pháp luật và kỹ năng công tác. Công đoàn cơ sở cần nắm bắt tình hình quan hệ lao động để tham mưu kịp thời cho cấp ủy đảng, ban quản lý, Công đoàn cấp trên cơ sở xây dựng môi trường lao động hài hòa, ổn định, phát triển, giải quyết kịp thời các cuộc ngừng việc tập thể. Cần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân thông qua các hoạt động cụ thể như: xây dựng nhà lưu trú, nhà trẻ, chất lượng bữa ăn, giải quyết việc làm, bảo vệ sức khỏe người lao động…
Đồng thời, những giải pháp khác chiếm vị trí quan trọng như đổi mới phương pháp giáo dục ý thức làm chủ cho công nhân theo hướng thiết thực, hiệu quả; chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ pháp lý; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho công nhân tại các khu nhà trọ; chủ động thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động đưa hoạt động giáo dục pháp luật cho người lao động vào nội dung thỏa ước lao động tập thể; bố trí thời gian, bảo đảm các điều kiện cần thiết để phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động; xây dựng “Tủ sách pháp luật”, “Giỏ sách pháp luật” để công nhân tự tìm hiểu pháp luật; việc giáo dục chính trị cho công nhân hiện nay phải huy động các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trên internet…Quan trong nhất là cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Để công nhân nhận thức đúng về vị trí, vai trò là người chủ, để họ thấy trách nhiệm của mình với sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước thì trước tiên phải chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Thực tiễn cuộc sống của công nhân trong các KCN Hà Nội hiện nay cho thấy, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, người chủ của cách mạng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về việc làm, thu nhập, nhà ở, nhà trẻ, trường học, nhu cầu vui chơi giải trí… Để tháo gỡ những khó khăn đó cần thực hiện những nhiệm vụ trước mắt sau:
Nhà nước khi công bố tiền lương tối thiểu phải bảo đảm cho công nhân đủ sống. Đây cũng là căn cứ cho việc thỏa thuận, thương lượng giữa các bên trong doanh nghiệp về tiền lương. Khi thương lượng phải bảo đảm nguyên tắc công bằng trong phân phối tiền lương và thu nhập.
Chính phủ cần xem xét cải thiện và thực thi tốt hơn các chính sách an sinh xã hội cho công nhân như về bảo hiểm xã hội, về hạ tầng xã hội ở các KCN (nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa…) nhằm giảm thiểu tính chất tạm thời, tạm bợ về việc làm và sinh hoạt. Khi ban hành và thực thi các chủ trương, chính sách, cần tham khảo ý kiến phản hồi của công nhân. Các cấp chính quyền cần thực hiện chế độ công khai dân chủ, minh bạch trước công nhân về những chính sách, quy định của Nhà nước, nhất là những vấn đề cấp thiết như: thu nhập, chỗ ở, nhà trẻ cho con em công nhân để công nhân biết và tham gia thực hiện kiểm tra, giám sát…
Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của công nhân, góp phần xây dựng người công nhân văn minh, hiện đại; giáo dục, rèn luyện lập trường, tư tưởng; ý chí vượt khó, vươn lên, lập thân, lập nghiệp, không mắc các tệ nạn xã hội, chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp và địa phương nơi cư trú; tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.
Có thể thấy, Đảng, Nhà nước đã ưu tiên ngân sách cho nghiên cứu, đưa ra và triển khai quyết tâm cao những giải pháp tổng thể giúp phát huy quyền làm chủ cho công nhân. Với nỗ lực đó, tầng lớp công nhân, người lao động sẽ ngày càng trưởng thành, phát triển, cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho đất nước, chiếm vị thế ngày càng quan trọng trong xã hội Việt Nam.