Nhiều năm nay đối với Việt Nam, các thế lực xấu, thù địch liên tục triển khai các hoạt động truyền bá, gieo rắc thông tin sai trái, xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền. Họ khai thác trên biên độ rất rộng từ tự do tôn giáo, tự do ngôn luận đến các chính sách của Nhà nước, thực thi pháp luật… Để thực hiện mưu đồ, họ lập nhiều tổ chức nhân danh dân chủ, nhân quyền, có “tổ chức” chỉ gồm vài ba người, hoặc một người ghi tên ở mấy nơi khác nhau.
Với sự phối hợp chặt chẽ trong – ngoài, những việc làm này được tiến hành thường xuyên, có lớp lang, kẻ tung người hứng, không câu nệ thời gian, sử dụng nhiều website, blog, facebook đăng tải tin tức, bình luận bịa đặt, luôn được sự phụ họa, hỗ trợ của RFA, BBC, VOA, RFI… Rồi khi đánh giá dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, các tổ chức như Nhà Tự do (FH), Phóng viên không biên giới (RSF), Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW),… và một số cơ quan, cá nhân như Ủy ban nhân quyền châu Âu, Nghị viện châu Âu, Bộ Ngoại giao và Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ, một số nghị sĩ Hoa Kỳ, Ca-na-đa, CHLB Đức, Ô-xtrây-li-a, nghị sĩ Nghị viện châu Âu,… lại dựa vào đó để phê phán. Xuyên tạc, bóp méo vấn đề dân chủ, nhân quyền để tiến công vào Đảng Cộng sản và chế độ xã hội ở Việt Nam,… mấy kẻ nhân danh dân chủ, nhân quyền triệt để khai thác một số hiện tượng tiêu cực để xuyên tạc thành bản chất xã hội, tiến hành thủ đoạn tuyên truyền với hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt, phát tán tin tức bịa đặt với tần số cao, biên độ rộng… Họ kêu gào phải sao chép mô hình dân chủ phương Tây, gieo rắc các quan niệm mơ hồ, lệch lạc như: “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không biên giới”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia”,… bằng thủ đoạn như Trần Kiêm Đoàn tổng kết: “Khi những bóng ma đã cố tình sử dụng hết các chiêu thức tưởng tượng để phóng ra những đòn phép bôi lem người ngay thì sẽ sản xuất ra vô số “thắc mắc”…”.
Một trong những thủ đoạn mà các thế lực xấu, thù địch thường xuyên sử dụng nhằm vu cáo, bịa đặt về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam là cắt xén một số văn bản chính thức của Nhà nước Việt Nam và Liên hợp quốc (LHQ), rồi dựa vào đó xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm các cam kết về dân chủ, nhân quyền… Thí dụ:
– Họ cho rằng Hiến pháp Việt Nam cho phép tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do ngôn luận và lấy đó làm cơ sở để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Về việc này, Điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (2013) khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, tức là những quyền đó phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật.
– Họ cố tình biến Tuyên ngôn thành “luật pháp quốc tế”, trong khi văn bản này mang tính khuyến nghị, khuyến khích các quốc gia phấn đấu đạt tới, và là cam kết chính trị – đạo đức hơn là ràng buộc về chính trị – pháp lý. Như Điều 29 Tuyên ngôn yêu cầu: “1. Mọi người đều có các nghĩa vụ đối với cộng đồng mà ở đó có thể thực hiện được sự phát triển tự do và đầy đủ nhân cách của bản thân. 2. Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân, mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng các quyền và quyền tự do của người khác, đáp ứng các đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Như vậy theo LHQ, việc thực thi quyền của cá nhân luôn phải đặt trong tương quan với luật pháp, cộng đồng, quyền của người khác và thực hiện các nghĩa vụ đối với cộng đồng,…
– Họ coi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước) là cơ sở thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội không giới hạn! Trong khi đó, về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, khoản 3 Điều 18 Công ước khẳng định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”; về tự do ngôn luận, khoản 3 Điều 19 viết: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a. Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”; về tự do lập hội, khoản 2 Điều 22 Công ước khẳng định: “Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định và những hạn chế này là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ sức khỏe của công chúng hoặc nhân cách, hoặc các quyền và tự do của người khác…”. Nghĩa là theo Công ước, để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tôn trọng quyền của người khác, bảo đảm về đạo đức,… việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội phải được đặt trong khuôn khổ luật pháp.
Theo tổng kết của Việt Hùng trên RFA: “Không có truyền thông thì không có cách mạng nhung, đài châu Âu tự do và đài Tự do đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm sập bức tường Bá Linh (Béc-lin) kéo theo sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu”. Ý kiến này và thực tế cho thấy, các thế lực xấu, thù địch đã và đang vận dụng hết công suất hệ thống “truyền thông đen” để đạt tham vọng. Tình hình đó đòi hỏi phải có sách lược đấu tranh hiệu quả, không chỉ bằng sự sắc bén, tính khoa học về lý luận, mà còn ở tính thuyết phục về thực tiễn để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, hướng tới các giá trị nhân văn, vì lợi ích của toàn dân.
Hồng Hạnh