Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
82427

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một chân lý bất hủ, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. Ngày 2/9/1945, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.

Năm 1966, đế quốc Mỹ xâm lược đẩy mạnh “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh cùng chư hầu vào miền Nam nước ta; dùng không quân bắn phá miền Bắc hòng gỡ thế thất bại ở miền Nam và ép chúng ta “đàm phán” theo ý muốn của chúng. Ngày 17/7/1966, trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: Chúng có thể đ­ưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa…. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Lời hịch của Người vang vọng non sông đã truyền sức mạnh cho đồng bào chiến sĩ cả nước, nung nấu thêm ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa đất nước hoà bình, thống nhất, non sông thu về một mối.

Không phải đến khi viết lời kêu gọi ngày 17/7/1966, Bác mới khẳng định giá trị của độc lập, tự do mà ngay từ khi còn niên thiếu, động lực thúc đẩy Người quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, chính là để tìm lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được khởi nguồn khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin về giải phóng dân tộc thuộc địa, tiếp thu tinh thần tiến bộ: Tự do – Bình đẳng – Bác ái trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp (1789). Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo xác định: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Đảng ta và Người đã chỉ rõ: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.” Chân lý đó được khẳng định sâu sắc trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945, là tiếp nối “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” năm 1946, “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.  Lời hịch cứu nước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là chân lý soi đường, động viên quân và dân ta, tạo nguồn sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Có thể khẳng định, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tư tưởng mang tính cách mạng sâu sắc và triệt để. Nó gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người – Sự nghiệp vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu, hi sinh cả cuộc đời để thực hiện. 

  1. “Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Chúng ta đã vào cuộc trường chinh xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” với công cuộc đổi mới theo sự chỉ dẫn của Bác Hồ. Đi theo chỉ dẫn đó, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tiềm lực đất nước và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Cho đến nay, Việt Nam có quan hệngoại giao với 189 nước, vùng lãnh thổ; trong đó có tất cả các nướclớn, có quan hệ kinh tế với hơn 220 thị trường nước ngoài và là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế. Chúng ta đã và đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, “muốn làm bạn với tất cả các nước” trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Không chỉ được thể hiện ở việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, độc lập, tự do còn thể hiện đậm nét thông qua việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội để mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Những năm qua, Việt Nam đã phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo cuộc sống của nhân dân, đạt được những thành tựu to lớn. Kinh tế tăng trưởng khá, đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển. GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.715 USD (gấp 15 lần năm 1990). Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4% thì kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,915. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn dưới 3%. Điều kiện và chất lượng giáo dục ngày càng tăng, trình độ y tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất người dân ngày càng được nâng lên, từ “ăn no, mặc ấm” dần chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp” cùng với nhiều hoạt động giải vui chơi, giải trí mang lại giá trị tinh thần. Đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Nền dân chủ và việc bảo đảm phát huy dân chủ không chỉ được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng mà còn được thể chế hóa và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Điều 2); Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3).

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đe dọa tính mạng, sức khỏe và gây nhiều khó khăn cho đời sống, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời ban hành nhiều quyết sách kịp thời hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động, giúp họ vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin vào cuộc sống; quyết tâm thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội hàm rộng lớn vẫn luôn là chân lý bất hủ, là ý chí của dân tộc trong bất luận hoàn cảnh, điều kiện nào và có giá trị sâu sắc và sẽ luôn là nền tảng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn, thách thức để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như tâm nguyện của Người và ước vọng của toàn dân tộc ta.■

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *