Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
49821

Ngăn chặn “chế độ nô lệ thời hiện đại”

Mua bán người là một hoạt động kinh tế dựa vào nhu cầu tiêu dùng để tồn tại. Nhu cầu về nguồn nhân lực, nhu cầu về mua dâm, nhu cầu về nhân lực lao động lớn, giá rẻ… thúc đẩy nạn mua bán người. Các tổ chức tôn giáo, không bị giới hạn bởi ranh giới địa văn hóa, địa kinh tế, thực sự góp phần làm chuyển đổi nhu cầu xã hội, giải quyết nguyên nhân làm này sinh nhu cầu đối với “hàng hóa” bị mua bán, tuyên truyền về tính phi đạo đức của việc nảy sinh nhu cầu buôn bán người, góp phần đáng kể trong giải quyết vấn nạn buôn người.

Không giống như các chính phủ hoặc các thực thể thực thi pháp luật, hoạt động của các tổ chức dựa trên đức tin không bị giới hạn bởi các ranh giới quốc tế, vì đặc thù của đức tin là vượt qua các ranh giới địa chính trị và đặc biệt quan tâm tới nhóm người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân, tị nạn,….nên tầm ảnh hưởng của họ không chỉ với cộng đồng đức tin mà trên phạm vi toàn cầu. Do đó, họ có ưu thế trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hơn thế, các tổ chức tôn giáo có mạng lưới giao tiếp rộng lớn ở những vùng xa xôi mà chính quyền Trung ương tiếp cận hạn chế. Thực tế, các tổ chức tôn giáo trên thế giới đã làm được nhiều trong phòng, chống nạn mua bán người.

Lễ ky-tuyen-bo-cham-dut-no-le-

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục. Nỗ lực này đã tăng cường nhận thức và cung cấp kiến thức cho trẻ em để tránh bị buôn bán. Các tổ chức tôn giáo thường hình thành một nền tảng giáo dục cho cộng đồng đức tin của họ về phẩm giá con người, về cách thức cải thiện đời sống và tuyên truyền giáo dục cho mọi người những nguy cơ tiềm tàng mà họ phải đối mặt, cũng như cung cấp các thông tin về thực trạng nạn mua bán người (đặc biệt là nhóm người nghèo nhất) để họ nhận biết và phòng, chống bị dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc và lừa đảo. Có thể nói, hệ thống giáo dục của tôn giáo là một hệ thống giáo dục dân lập (phi chính phủ) lớn nhất thế giới.

Thứ hai, các tổ chức tôn giáo không chỉ có tầm ảnh hưởng trong tầng lớp dân thường, không chỉ có được một vị trí tin cậy trong cộng đồng yếu thế mà còn tương tác với các lực lượng kinh tế – xã hội đang tác động trực tiếp đến cộng đồng dân thường này. Như vậy, tôn giáo có thể làm cầu nối giữa cộng đồng nạn nhân và cộng đồng thực thi pháp luật khi giải quyết vấn nạn mua bán người.

Thứ ba, cung cấp dịch vụ và lên tiếng bảo vệ cho các nạn nhân của nạn buôn người. Tại nhiều khu vực trên thế giới, tôn giáo là một phần hoặc thực sự là trung tâm của một cộng đồng địa phương. Do đó, nó có trách nhiệm bảo vệ các cá nhân trong cộng đồng địa phương trước nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Nhiều lãnh tụ tôn giáo đã lãnh đạo các cuộc đấu tranh công khai chống lại các hành vi phạm tội mua bán người. Kêu gọi và làm việc để chấm dứt nghèo đói, chấm dứt các nguyên nhân tị nạn, tái khẳng định các giá trị của cuộc sống con người.

Thứ tư, tôn giáo là một trở lực trong việc lợi dụng đức tin, lợi dụng chuẩn mực văn hóa tôn giáo để biện bạch cho một số hình thức buôn người. Chẳng hạn, Islam giáo lên án nạn buôn người vì vi phạm giáo lý Islam giáo. Các nữ tu sĩ Công giáo ở Nigeria đã thành lập tổ chức Slaves No More (Nô lệ không còn nữa), cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu của phụ nữ bán dâm, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng.

Thứ năm, kết nối chặt chẽ với các bộ phận thực thi pháp luật, trở thành một đối tác quan trọng trong việc chống lại nạn buôn người. Nhiều nạn nhân của nạn buôn người đặt sự tin cậy vào các chủ thể tôn giáo. Do vật, hợp tác với cộng đồng tôn giáo, cơ quan thực thi pháp luật được hưởng lợi từ sự tin cậy đó, có thể truy cập thông tin về hoạt động tội phạm và gây dựng niềm tin giữa nạn nhân và bộ phận thực thi pháp luật. Nhiều nạn nhân của nạn buôn người đặt sự tin cậy vào các chủ thể tôn giáo. Mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và các tổ chức tôn giáo trên khắp thế giới đã tạo điều kiện cho cơ quan thực thi pháp luật cảnh báo kịp thời về các sự cố và xu hướng buôn người mới nổi.

Thực trạng buôn bán người trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi một giải pháp ứng phó có quy mô toàn cầu mạnh mẽ tương ứng, cùng những nghiên cứu sâu sắc và lâu dài về nguyên nhân của nạn mua bán người. Các tôn giáo, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các thực thể liên kết của họ có thể là một lực lượng, một chủ thể, một đối tác hiệu quả cùng với các chính phủ giải quyết vấn nạn này. Mua bán người là một tội ác, là vấn đề hình sự phức tạp với nhiều biểu hiện khác nhau và đáng lo ngại. Đây là lúc, mọi công dân, mọi tổ chức xã hội phải “chung lưng đấu cật” với Nhà nước trong việc ngăn chặn, phòng chống, trừng trị kẻ mua bán người, hỗ trợ các nạn nhân, tiến tới xóa bỏ chế độ “nô lệ thời hiện đại”.■

                   PGS, TS Đỗ Lan Hiền

Hoc viện chính trị gia Hồ Chí Minh

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *