Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
89856

Bảo vệ quyền của người mang thai hộ Kỳ 1: Quyền của người mang thai hộ trong pháp luật quốc tế    

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một trong những quy định mới được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HNGĐ) năm 2014, mở ra niềm hi vọng mới cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi quy định này, nảy sinh nhiều vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền của người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

 

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Theo quy định của pháp luật quốc tế, không có văn bản nào quy định trực tiếp về quyền của người mang thai hộ mà chỉ được hiểu về các quyền của họ gián tiếp thông qua các quyền cơ bản của phụ nữ nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng với ba quyền chính:

Thứ nhất, quyền được chăm sóc sức khỏe – quyền cơ bản lần đầu tiên được quy định trong Hiến chương của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1946, sau đó được quy định rõ ràng hơn trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới 1948… Quyền được chăm sóc sức khỏe của người mang thai hộ bình đẳng và đầy đủ trong tất cả giai đoạn như tiền sản, quá trình mang thai và hậu sản, việc chăm sóc y tế đối với họ phải được đặt lên hàng đầu với việc được tiếp cận hệ thống y tế tốt và có sẵn còn cần phải được mở rộng về trạng thái tốt nhất của sức khỏe tâm lý và thể chất.

Thứ hai, các quyền riêng tư cá nhân quy định tại Điều 12 Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới và Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Các quyền này đã được nhiều quốc gia quy định và ghi nhận, cụ thể hơn là quyền tự do sinh sản bao gồm tự mình quyết định có tham gia vào việc thỏa thuận mang thai hộ hay không và lựa chọn chăm sóc y tế cho quá trình mang thai và sinh sản. Chẳng hạn, theo Công ước Nhân quyền châu Âu, người mang thai hộ có quyền được tôn trọng sự riêng tư, cuộc sống gia đình, nơi ở và điện tín, qua đó nhấn mạnh trong quyền của họ về sự riêng tư và cuộc sống gia đình là không bị giới hạn bởi chính sách sinh sản của các quốc gia mà đó là quyền cơ bản của phụ nữ và quyền được lựa chọn hình thức sinh sản của mình (Điều 8).

Thứ ba, quyền tự do lao động. Quyền tự do lao động được bảo vệ trên cơ sở Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, các công ước của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó nêu lên hai quyền cơ bản có liên quan đến quyền của người mang thai hộ là quyền được lao động và quyền được lao động tại môi trường có điều kiện phù hợp. Có nhiều quan điểm cho rằng không thể xem xét việc mang thai hộ là một dạng “lao động” nên họ không thể có các quyền này. Tuy nhiên, quyền lao động cũng có mở rộng đến hoạt động lao động tự nguyện mà có thể được trả phí hoặc không và do vậy người mang thai hộ cũng phải được hưởng các quyền này như những người lao động bình thường khác. Do đó, những người phụ nữ được phép lựa chọn mang thai hộ như một công việc, tránh việc bị phân biệt đối xử vì mang thai cho người khác, được trả công xứng đáng và công bằng, và có môi trường sinh sống tốt cho sức khỏe.

Quy định về quyền của người mang thai hộ có sự khác nhau giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số quốc gia hoàn toàn cấm mang thai hộ như Pháp, Đức, Ý, Thụy Sỹ, Áo, Tây Ban Nha… Một số nước chấp nhận mang thai hộ vì mục đích thương mại như Ấn Độ, Nga, Ukraine hoặc một số nước cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và chỉ trả những chi phí cần thiết cho việc mang thai hộ như Úc, Canada, Anh, Mexico… Tuy nhiên, cũng có những nước, nhà nước chỉ cho phép mang thai hộ vì nhân đạo như Việt Nam, Brazil, New Zealand, Đan Mạch… Một số quốc gia không có quy định rõ ràng về vấn đề này. Do vậy, vấn đề bảo đảm quyền của người mang thai hộ cũng có sự khác nhau ở các quốc gia.

Ở Mỹ, pháp luật liên bang không quy định về việc mang thai hộ song mỗi bang đều có quy định riêng. Đa số các bang ở Mỹ đều cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hoặc thương mại và đều có những điểm chung trong bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp cho người mang thai hộ như: bảo hiểm y tế, quyền được biết về các thủ tục y tế và biết các tác dụng phụ tiềm tàng, lựa chọn chăm sóc y tế nếu có phản ứng khi mang thai, được chăm sóc tâm lý trong suốt quá trình mang thai, được nhận trợ cấp hoặc bồi hoàn theo thỏa thuận đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, pháp luật các bang cũng quy định rất cụ thể về các trình tự, thủ tục để đi đến thống nhất chung giữa các bên trước khi kí kết tham gia “hợp đồng” mang thai hộ.

New Zealand chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và được quy định rất cụ thể trong Bộ luật về các quyền (Code of Rights), theo đó người mang thai hộ được tôn trọng và có quyền tránh bị phân biệt đối xử, quấy rối, bóc lột; quyền tiếp cận dịch vụ thích hợp; quyền được hỗ trợ,… đồng thời người mang thai hộ được nhận trợ cấp và cấm ép buộc họ tham gia vào các hợp đồng mang thai hộ. Bộ luật lao động của nước này (The Employment Relations Act 2000) cũng cho phép họ được hưởng các quyền tương tự như những người phụ nữ mang thai khác kể cả trước và sau khi sinh. Tuy nhiên, để tham gia vào quá trình mang thai hộ ở New Zealand thì các chủ thể tham gia phải tốn rất nhiều chi phí và thủ tục phức tạp.

                                                                                                                                                                                             NÔNG ĐỨC TÀI

Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *