Những ngày tháng 5, đồng bào ta cùng hướng về Điện Biên Phủ, nơi từng ghi dấu mốc vàng son lịch sử 70 năm trước, khắc ghi công ơn của những anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu, xả thân vì Tổ quốc, thêm hiểu và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Thì có những kẻ vẫn cứ tìm mọi cách hòng hạ thấp ý nghĩa, vai trò của Chiến thắng Điện Biên Phủ, hòng xuyên tạc sự tri ân của dân tộc đối với quá khứ lịch sử. Trong đó đáng lưu ý là trò chơi đèn cù chính trị của VOA, bày trò bàn tròn chuyên đề với tiêu đề “Điện Biên Phủ-70 năm tuyên truyền, sự thực và tính chính danh của ĐCSVN” với những cái tên quen thuộc như Nguyễn Quang A, Đỗ Thông Minh (Nhật bản); ông Đoàn Xuân Kiên (ở Anh); ông Trần Trung Đạo (ở Mỹ), nội dung ra sức phê phán với giọng điệu: chiến thắng Điện Biên Phủ là sự thổi phồng quá mức của cộng sản; kỷ niệm 70 năm sự kiện Điện Biên Phủ là “ăn mày quá khứ” một cách hợm hĩnh, nhằm làm loãng không khí bức bối chính trị trong nước; gây tốn kém, lãng phí…
Theo dòng chảy lịch sử, mỗi dân tộc trên đường tiến tới văn minh, đều trải qua những giai đoạn gian lao, đầy thử thách mang tính thời đại. Việt Nam là một dân tộc luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, thậm chí trước tình thế tồn vong vận mệnh dân tộc; nhưng đã tự mình vượt lên để chiến thắng một cách vinh quang. Trong các mạch nguồn hội nên sức mạnh dân tộc và thời đại của Việt Nam, có một mạch nguồn biết dựa vào truyền thống anh hùng dân tộc, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư là công trình ghi lại lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương cho tới thời Hậu Lê. Các bộ Đại Nam thực lục chép các sự kiện lịch sử từ năm 1558 khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa đến năm 1925, đó là bộ sử chuyên về triều Nguyễn; về sau này còn có một số bộ sử khác. Vua Quang Trung là người rất coi trọng lịch sử, ông đã cho một người am hiểu tinh tường chuyên bổ túc cho mình kiến thức lịch sử dân tộc. Hồ Chí Minh dù không phải là sử gia, nhưng ngay sau khi về nước thì Người đã viết cuốn Lịch sử nước ta theo lối văn vần để tuyên truyền lòng yêu nước. Từ khi có Đảng ra đời, bên cạnh lịch sử dân tộc thời hiện đại (gồm 2 tập Lịch sử Việt Nam), ghi chép khách quan các sự kiện lịch sử, phản ánh các giai đoạn lịch sử dân tộc, còn có Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, ghi chép quá trình Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng, mang lại những thắng lợi vẻ vang cho cách mạng Việt Nam. Biên soạn lịch sử một cách khách quan, phản ánh được tầm vóc dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, nhất là vai trò của Nhân Dân trong tiến trình lịch sử được Đảng, Nhà nước Việt Nam chú trọng. Tháng 11 năm 2021 nước ta hoàn thành bộ “Quốc sử” đồ sộ nhất kể từ trước tới nay, gồm 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện. Đối với các sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa dấu mốc lịch sử nước nhà (các cuộc khởi nghĩa thời Bắc thuộc; các sự kiện đánh đuổi ngoại xâm thời phong kiến; các sự kiện lịch sử chống ngoại xâm thời cận-hiện đại) đều được tổ chức trọng thể, đáng chú ý nhất là chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa luôn mang hào khí của một thời “đánh cho bọn xâm lăng biết nước Nam anh hùng là có chủ”. Riêng với sự kiện Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 và Chiến thắng ngày 30/4/1975 được tổ chức trọng thể vào năm tròn, năm chẵn với qui mô hoành tráng. Đây cũng là 2 sự kiện làm tốn giấy mực của bọn phản tuyên truyền, vì tầm vóc của các sự kiện này đã vượt ra ngoài phạm vi quốc gia.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kết thúc một thời kỳ mà chủ nghĩa thực dân kiểu cũ không còn đất sinh tồn trên đất nước Việt Nam, chẳng những thế nó còn cổ vũ các dân tộc bị áp bức thống trị ở châu Phi, châu Mỹ la tinh, châu Á vùng lên đòi quyền tự do, độc lập, không tuân phục sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Về vấn đề này, mấy người tham gia bàn tròn thế sự nêu trên cho rằng, lẽ ra Việt Nam không nên theo đuổi chiến tranh mà vẫn có thể giành được độc lập dân tộc. Họ chẳng suy nghĩ gì hay là sự ngờ nghệch lịch sử tới mức ấu trĩ quá thể, bởi trong khi vãn hồi hòa bình, Hồ Chí Minh đã phải thân chinh lặn lội mấy tháng trời trên đất Pháp, cùng với phái đoàn chính phủ Việt Nam qua hội đàm, thương thuyết nhằm tránh cuộc chiến tranh, điều kiện mấu chốt là Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam, còn Việt Nam coi mình nằm trong khối liên hiệp Pháp. Thế nhưng, chính phủ Pháp “quyết cướp nước ta lần nữa”, không cam chịu để Việt Nam thoát khỏi thân phận thuộc địa của Pháp, do đó buộc Việt Nam phải đứng lên kháng chiến thần thánh. Mấy ông chuyên gia rởm đời còn bảo chiến thắng Điện Biên Phủ cũng chỉ mang tầm nhỏ hẹp, vì chỉ có một số ít quân Pháp, do 1 viên đại tá (sau lên thiếu tướng chỉ huy), chứ đâu phải là một lượng lớn quân Pháp tham chiến(???); rõ là gà mờ lịch sử, sao họ không biết vì tham chiến mà Pháp bị kiệt quệ, nước Pháp phải dựa vào vũ khí và chiến phí từ Mỹ, sao họ không hiểu nhiều tướng 5 sao của Pháp từng chinh chiến trong chiến tranh thế giới thứ 2 đã được giao nhiệm vụ bày trò chiến lược trong cuộc chiến ở Đông Dương. Thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ là sự thảm bại của một trùm sỏ thực dân kiểu cũ trong giai đoạn hậu chiến tranh thế giới thứ 2.
Còn vai trò của ông Võ Nguyên Giáp có thực lực đóng góp quyết định hay không thì không phải bàn, vì dù rằng ông Giáp ở cách xa trận địa 15 km, nhưng toàn bộ tư duy chỉ đạo tác chiến chiến lược của ông đã nhất quán và vận dụng sáng tạo tư tưởng chiến lược chiến tranh nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Còn việc ông Giáp có thực tài được vinh danh là một trong những vị tướng tài trong lịch sử quân sự thế giới hay không thì cũng không quan trọng, điều quan trọng nhất là ông Giáp được người dân Việt Nam tôn vinh đó là vị tướng của Nhân Dân; đám tang của ông có số người tham gia, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với ông được coi là chỉ sau đám tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nói về tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam đâu phải đợi đến sự phán xét của mấy ông, vì rằng nhân dân Việt Nam nếu không tin tưởng vào Đảng và ông Hồ thì ai người ta đem tính mạng và của cải, tinh thần và lực lượng để cứu nước. Mấy người bảo là Đảng và ông Hồ “lừa phỉnh dân”, thì quả là nực cười, dân Việt Nam tinh tường lắm, nếu như thực dân Pháp là nước đi khai hóa văn minh, mang lại đời sống tự do, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc cho họ thì họ làm sao phải nổi dậy ào ào như vũ bão trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 năm 1945; làm sao họ lại nối dài dòng người mở đường, gùi thồ hàng lên chiến trường Điện Biên Phủ. Những hình tư liệu do các phóng viên thực địa ghi lại, do những người bên kia chiến tuyến ghi lại đâu phải là ngụy sử, đó là những tư liệu có máu lửa chiến trường. Đoàn chiến binh thất trận giương cờ trắng lũ lượt ra hàng như con trăn khổng lồ trên chiến trường Điện Biên Phủ vào cuối chiều hè ngày 7/5/1954 đâu phải là những thước phim dựng lại làm quá lên, đó là một góc hẹp trong bức tranh điêu tàn hắc ám của một cuộc chiến phi nghĩa.
Có một qui luật lịch sử là: ai bắn vào quá khứ bằng súng lục thì sẽ bị tương lai bắn lại bằng đại bác. Theo dõi cuộc này, có một ý kiến thẳng thắn tới mức xúc phạm tuổi tác của 4 vị tham gia chuyên đề trên, đại ý là: người ta càng già càng đáng kính trọng vì hiểu biết sâu rộng, đằng này mấy vị tuổi cao mà hiểu biết lịch sử nông cạn quá. Lời bàn này không gay gắt nhưng ngẫm càng thấy đắng ngắt cổ họng, ai đời già rồi mà còn dại mồm dại miệng, phơi mặt đàm tiếu trên cái trang mạng hắc ín.