Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26784

Những luận điệu xuyên tạc, đổ lỗi cho  kinh tế thị trường định hướng XHCN cũ rích!

 

Lâu nay, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc, bịa đặt chống phá, chúng cho rằng không có nền kinh tế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ lập luận rằng, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; gán ghép định hướng xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường là chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục; nếu bỏ “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chẳng hạn như bài viết được các trang chống cộng đua nhau tán phát gần đây như “Mọi vấn đề đều là vì cái đuôi ‘định hướng XHCN” với giọng điệu lu loa rằng “Sau khi đẩy xứ sở rơi xuống đáy của lạc hậu, khiến cả dân tộc càng ngày càng lầm than, giới lãnh đạo đảng CSVN quyết định tự cứu chính họ bằng cách từ bỏ “kinh tế kế hoạch hóa tập trung” kiểu cộng sản để thực thi kinh tế thị trường”.

Thứ nhất, có thể thấy những luận điệu trên đều xuất phát từ sự đồng nhất sai lầm giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản, khi quan niệm rằng: “kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản; kinh tế thị trường vận động theo các quy luật của chủ nghĩa tư bản, không thể dung hòa với định hướng xã hội chủ nghĩa”. Rồi đòi Đảng ta phải công khai tuyên bố lựa chọn mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, mà thực chất là đòi Đảng từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Cần khẳng định ngay rằng, việc đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, coi đây là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn. Việc tổ chức thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hơn 35 năm qua ở Việt Nam đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước không ngừng tăng lên, từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỉ USD vào năm 1989, thì đến năm 2022 đã đạt 409 tỉ USD, đứng thứ 37 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ năm trong ASEAN và trong nhóm 14 nước hàng đầu châu Á. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2022 đã đạt 4.110 USD, đứng thứ năm trong ASEAN. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống dưới 0,3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Văn hóa – xã hội có bước phát triển tích cực; dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng. Các vấn đề an sinh xã hội luôn được chăm lo, ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hay của đại dịch Covid-19, trở thành một trong những điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Nền kinh tế quốc gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế với nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường thế giới. Việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thành viên của hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết rất cao về tự do hóa thương mại và phát triển bền vững (liên quan đến lao động và bảo vệ môi trường), đã chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam ngày càng thích ứng với các điều kiện của nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; đồng thời, đưa nước ta trở thành nền kinh tế có độ mở cao – tới 200% GDP.

Điều đó được thể hiện bằng các con số ấn tượng, nếu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2005 mới đạt 20,7 tỉ USD/năm, thì riêng năm 2022 đã đạt 732,5 tỉ USD; cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 07 năm liên tục kể từ năm 2016, riêng năm 2022 xuất siêu đạt 11,2 tỉ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam (do Công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – Brand Finance công bố) liên tục tăng trưởng với tốc độ nhanh. Nếu năm 2019, giá trị đó là 274 tỉ USD, thì năm 2022 đã đạt 431 tỉ USD, được xem là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74%) trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022.

Thứ hai, tham nhũng là hiện tượng kinh tế – xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy Nhà nước. Trong xã hội có giai cấp, Nhà nước trước hết đại diện cho quyền lực của một giai cấp nhất định, nó có chức năng điều hòa những lợi ích của các giai cấp khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Quyền lực của Nhà nước khi được trao cho những con người cụ thể, những người đại diện cho Nhà nước thực thi quyền lực công, nếu không có cơ chế kiểm soát, dễ dẫn tới sự lợi dụng quyền lực hoặc lạm quyền. Sự gặp nhau giữa quyền lực công khi không được chế ước với nhu cầu cá nhân vượt quá giới hạn cho phép, lòng tham, đã dẫn tới việc sử dụng quyền lực công phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Đó chính là cơ sở nảy sinh tham nhũng. Tham nhũng còn được coi là “sản phẩm của sự tha hóa quyền lực”.

Hiện nay, tham nhũng là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng những yếu tố đặc thù gắn với từng quốc gia. Về cơ bản mỗi quốc gia có những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng riêng. Nguyên nhân tham nhũng hoàn toàn không phải do thể chế độc đảng hay đa đảng, thậm chí kinh tế thị trường định hướng XHCN sinh ra.

Cuối cùng, cần phải khẳng định rằng những tiêu cực nảy sinh trong quá trình vận hành của nền kinh tế nước ta thời gian qua là có thực. Tuy nhiên đây không phải là bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực chất nó là những khuyết tật mà Đảng và Nhà nước ta muốn loại bỏ nhằm “xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính vì vậy, không thể đổ lỗi cho những yếu kém, hạn chế hiện nay là do mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trái lại, như Đảng ta đã nhìn nhận: “những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là do: Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ”.

Cần hiểu rằng thay vì đổ lỗi cho mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì với danh nghĩa “yêu nước” cần đề xuất những giải pháp để phải khắc phục những sai lầm mang tính chủ quan trong quản lý nền kinh tế, loại bỏ những hạn chế còn tồn tại, tiếp thu những giá trị tích cực từ mô hình kinh tế thị trường của các nước tiên tiến trên thế giới. Còn kiểu cố tình bới móc, chọc ngoáy rồi xuyên tạc để đổ lỗi như trên chỉ khiến những kẻ chống cộng ngày càng mất điểm trong mắt công chúng.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *