Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
73692

Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là xã hội của dân, do dân và vì dân

Từ một nước thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, dân tộc ta tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên xây dựng xã hội XHCN qua nhiều thời kỳ từ đấu tranh chống thực dân, đến tiến hành cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (1945-1975). Tiếp đó là tiến hành công cuộc xây dựng xã hội XHCN, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và không gian điện tử Tổ quốc. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay đã có một vị thế và cương vị mới, vững chắc. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc. Việt Nam cũng đã thiết lập khuôn khổ hợp tác ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển theo nguyên tắc bình đẳng, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Sau thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH. Mô hình CNXH (1976-1986) trong thời kỳ này có thể gọi là mô hình xã hội XHCN kiểu cũ đã được thiết lập. Theo đó, mô hình này đối lập hoàn toàn với CNTB không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế – xã hội. Vào thời kỳ đó, chúng ta đã xóa bỏ các thành phần kinh tế tư nhân, xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu, bao cấp với với 2 thành phần duy nhất là kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Về mặt lý luận, chúng ta phủ nhận sản xuất hàng hóa, quy luật giá trị – đồng nhất kinh tế thị trường với CNTB. Còn nhớ thời kỳ đó, chúng ta thực hiện chính sách “ngăn sông, cấm chợ”, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. 

Trên lĩnh vực chính trị, chúng ta đồng nhất Nhà nước pháp quyền với Nhà nước tư sản,… xây dựng và thực hiện Nhà nước chuyên chính vô sản – phủ nhận tính chất pháp quyền của Nhà nước, do đó các quyền công dân và quyền con người không được tôn trọng và bảo đảm. Mặc dù công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta trong giai đoạn 1975 – 1985 đã đạt được những thành tựu to lớn: khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh; từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới và cơ sở vật chất – kỹ thuật của CNXH; bảo vệ vững chắc Tổ quốc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế,…tuy nhiên do nhận thức giáo điều, giản đơn về CNXH nên đất nước đã rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, 1986 đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó quan trọng nhất là đổi mới tư duy lý luận – nhận thức về xã hội XHCN. Có thể nói, Đại hội VI đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nhận thức lý luận của Đảng ta về CNXH.

Kế thừa và phát triển Đại hội VI, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991), trong đó đã xác định mô hình xã hội XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội: “Do nhân dân lao động làm chủ; Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”.

Có thể nói mô hình xã hội XHCN ở nước ta mà Cương lĩnh năm 1991 đã vậm dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với những đặc thù về lịch sử và văn hóa Dân tộc. Qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996), IX (năm 2001), cho đến Đại hội X (2006), Đảng ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nhận thức về mô hình CNXH ở nước ta. Văn kiện Đại hội X xác định: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”.

Cao Đức Thái

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *