Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
87682

Hình phạt tử hình có vi phạm quyền sống?

Có quan điểm cho rằng, hình phạt tử hình có tác dụng ngăn chặn tội phạm, do đó gián tiếp có tác dụng bảo vệ nền tảng và những giá trị đạo đức trong xã hội. Tuy nhiên, quan điểm khác cho rằng, do tính tàn khốc của nó, hình phạt tử hình có thể làm xói mòn tính nhân đạo và sự khoan dung, là những giá trị đạo đức cơ bản mà tất cả các xã hội đều cần phải vun đắp. Đây là một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận từ trước đến nay, liệu hình phạt tử hình (HPTH) có vi phạm quyền sống?

Trong luật nhân quyền quốc tế, quyền sống được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (UDHR) năm 1948 (Điều 3) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) (Điều 6) cùng một số công ước khác. Về nội hàm, trong Bình luận chung số 6 (năm 1982), Ủy ban Nhân quyền (HRC) cho rằng, quyền sống là “một quyền tối cao” mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp, các quốc gia cũng không được bãi bỏ hay tạm đình chỉ việc thực hiện. Tuy nhiên, cũng theo Uỷ ban này, quyền sống không phải là “quyền tuyệt đối”, vì ICCPR không bắt buộc các quốc gia phải xóa bỏ HPTH, mà chỉ yêu cầu giới hạn áp dụng hình phạt này với “những tội ác nghiêm trọng nhất”. Nói cách khác, việc duy trì HPTH không vi phạm luật nhân quyền quốc tế, song nếu lạm dụng hình phạt đó thì có thể xung đột với ICCPR.

Trên thế giới đã có một số nghiên cứu về tác dụng răn đe của HPTH. Nổi tiếng nhất là nghiên cứu của Issac Ehrlich công bố năm 1975, kết  luận  rằng, mỗi bản án tử hình có thể làm giảm 7-8 vụ giết người.  Tuy nhiên, một  nghiên cứu  khác được công bố từ năm 1959 của Thorsten Sellin lại chứng minh rằng, HPTH không có hiệu lực răn đe tội phạm cao hơn so với hình phạt tù chung thân. Tương tự, các nghiên cứu do Liên Hợp quốc (LHQ) thực hiện vào năm 1988, 1996 và 2002 cũng đi đến kết  luận: “Không có bằng chứng cho thấy HPTH có tác dụng ngăn chặn tội phạm cao hơn so với những hình  phạt  khác”. Ở nhiều quốc gia, việc xóa bỏ HPTH không khiến cho tội phạm tăng lên. Ví dụ, ở Canada, tỷ lệ phạm tội giết người đã giảm từ 3,09 người/100.000 dân vào 1975 (năm trước khi xóa bỏ HPTH với  tội  này), xuống còn 2,41 người vào 1980 và tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Ngược lại, ở Mỹ, thống kê cho thấy ở 36 bang còn duy trì HPTH, tỷ lệ phạm tội giết người lại cao hơn so với ở các bang đã xoá bỏ hình phạt  này.

PGS.TS Vũ Công Giao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *