Được sự hỗ trợ của các tổ chức nhân danh nhân quyền như HRW (Theo dõi nhân quyền), FH (Nhà tự do), AI (Ân xá quốc tế), RSF (Phóng viên không biên giới), CPJ (Bảo vệ nhà báo),… cùng một số địa chỉ truyền thông phương Tây như BBC, VOA, RFA, RFI,… rất nhiều thủ đoạn, mưu đồ đen tối đã được triển khai để đi từ “lên án vi phạm nhân quyền” tới can thiệp vào công việc nội bộ, tạo dựng tổ chức chống đối trong xã hội, mở “đột phá khẩu” để xâm lược bằng quân sự…
Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết
Hiện nay nhân quyền đã được nhấn mạnh là yếu tố tiên quyết nếu các quốc gia muốn hoạch định chiến lược, sách lược phát triển tích cực, có hiệu quả về vật chất và tinh thần cho mọi công dân, cho toàn xã hội; đồng thời là một mục tiêu hàng đầu cần phấn đấu đạt tới vì tương lai tươi sáng của nhân loại. Tuy nhiên đến hôm nay, nhân loại vẫn phải chứng kiến quá nhiều sự kiện, hiện tượng ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm, phát triển nhân quyền. Dù không có chiến tranh trên phạm vi thế giới, dù chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã cáo chung, dù Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ đã được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 18/12/1979 (có hiệu lực từ ngày 3/9/1981), dù Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của LHQ đã khẳng định: “1. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. 2. Vì lợi ích của mình, mọi dân tộc đều có thể tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình, miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc”,…
Nhân loại vẫn tiếp tục phải đối mặt với một thực tế còn quá nhiều vấn nạn liên quan nhân quyền. Đói nghèo vẫn đeo bám theo một bộ phận nhân loại; phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử; nhiều người không có nhà ở; một bộ phận trẻ em không được đến trường; nhiều người già cô đơn và không nơi nương tựa; an sinh xã hội chưa được bảo đảm… Rồi núp dưới chiêu bài nhân quyền, một số thế lực đã chà đạp lên quyền tự quyết dân tộc, thực hiện mưu đồ chi phối, đẩy một số quốc gia vào vị trí phụ thuộc; tiến hành những cuộc chiến tranh tàn khốc ở Iraq, Syria, Lybia, Yemen,… làm các quốc gia này lâm vào cảnh hoang tàn, đói nghèo hoành hành, hàng trăm nghìn người thương vong, hàng triệu người phải di cư và sống tha hương…
Không thể coi mình là hình mẫu nhân quyền để áp đặt
Vì lợi ích phi nhân quyền, một số thế lực đã và đang vi phạm các tiêu chí đã được LHQ khẳng định về quyền tự quyết dân tộc, quyền lựa chọn và quyết định về thể chế chính trị, quyền phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa… Không chỉ vậy, tự coi quan niệm nhân quyền của riêng mình là mẫu số chung, bất chấp các đặc thù chính trị – kinh tế – xã hội – văn hóa, một số thế lực sử dụng nhân quyền làm công cụ áp đặt, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một số quốc gia, thậm chí coi nhân quyền là điều kiện ký kết các văn bản liên kết kinh tế.
Được sự hỗ trợ của các tổ chức nhân danh nhân quyền như HRW (Theo dõi nhân quyền), FH (Nhà tự do), AI (Ân xá quốc tế), RSF (Phóng viên không biên giới), CPJ (Bảo vệ nhà báo),… cùng một số địa chỉ truyền thông phương Tây như BBC, VOA, RFA, RFI,… rất nhiều thủ đoạn, mưu đồ đen tối đã được triển khai để đi từ “lên án vi phạm nhân quyền” tới can thiệp vào công việc nội bộ, tạo dựng tổ chức chống đối trong xã hội, mở “đột phá khẩu” để xâm lược bằng quân sự… Đồng thời, nhằm tăng sức nặng cho mưu đồ, họ còn quảng bá một thứ nhân quyền ngoài khuôn khổ pháp luật, không quan tâm đến quyền của người khác và quyền của cộng đồng. Từ đó trong xã hội xuất hiện một số người tự coi mình là “số một”, lấy đó làm cơ sở để chọn kiểu sống ích kỷ và tàn nhẫn, xem thường mọi người, xem thường cộng đồng.
Song, dù nhân quyền được diễn giải như thế nào, dù ai đó tự thấy bản thân là “đại diện cho nhân quyền” rồi hăng hái cổ súy, yêu cầu người khác phải làm theo,… thì vẫn chỉ là quan niệm, phát ngôn sáo rỗng nếu họ không có hành động cụ thể làm cho nhân quyền trở thành giá trị luôn thuộc về mọi người. Vì bất luận trong trường hợp nào thì việc nhà nước có đường lối, chính sách thiết thực nhằm hiện thực hóa nhân quyền trong cuộc sống, tạo điều kiện để cả xã hội đồng lòng phấn đấu vì sự phát triển toàn diện của con người, phát huy quyền của mọi công dân và bảo đảm lợi ích mọi mặt của họ trong xã hội,… vẫn là nền tảng duy nhất xác định sự phát triển nhân quyền ở mỗi quốc gia.Không quốc gia hoặc nhóm người nào trong xã hội có thể tự coi mình là “hình mẫu” về nhân quyền để yêu cầu, áp đặt lên quốc gia khác hoặc đòi hỏi xã hội phải làm theo ý mình.■
Nguyễn Hòa