Ngày 04/3/2021 khai mạc Kỳ họp hàng năm của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Kỳ họp lần này có một ý nghĩa quan trọng khác thường đối với Trung Quốc không chỉ bởi năm nay là kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và là năm hoàn thành mục tiêu “100 năm” thứ nhất mà ông Tập Cận Bình tuyên bố (hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện), mà còn bởi Kỳ họp này sẽ thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 14 (Kế hoạch) và Mục tiêu Tầm nhìn 2035. Những điều chỉnh, những nội dung mới trong Kế hoạch và Tầm nhìn 2035 có thể tóm lược trong hai trọng tâm là dốc sức cho khoa học công nghệ và dựa vào năng lực tự thân.
Báo cáo Công tác Chính phủ năm 2021 và Kế hoạch thứ 14 cũng cho thấy Trung Quốc đang phải vật lộn để giải quyết một số vấn đề cấu trúc dài hạn như vấn đề bất bình đẳng giữa các tỉnh và vùng tiếp tục gia tăng. So với các năm trước, Báo cáo Công tác Chính phủ năm nay dành sự quan tâm nhiều hơn đến những mất cân đối trong nước. Trung Quốc cũng thừa nhận “bẫy sinh đẻ thấp” của mình – được đánh dấu bằng mức giảm 15% số ca sinh kể từ năm ngoái. (Tỷ lệ sinh đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy thập kỷ, bất chấp hàng loạt các biện pháp khuyến khích các gia đình sinh con thứ hai). Mặc dù chính phủ cam kết sẽ “nỗ lực để đạt được tỷ lệ sinh phù hợp”, nhưng cũng không có nhiều thông tin chi tiết và không có ý tưởng ban đầu.
Một vấn đề rất quan trọng liên quan đến quyền con người ở Trung Quốc là các nhà hoạch định Trung Quốc cũng đang thúc đẩy những cải cách rất cần thiết đối với hệ thống đăng ký hộ khẩu (hukou). Hộ khẩu là công cụ của chính phủ Trung Quốc để quản lý 1,4 tỷ dân. Hệ thống quản lý hàng trăm triệu lao động nhập cư của đất nước – khoảng 40% lực lượng lao động thành thị – những người di chuyển từ các vùng nông thôn đến thành phố để tìm việc làm đã tồn tại hơn 70 năm. Kế hoạch mới nhất cam kết những cải cách mới sẽ loại bỏ hiệu quả hầu hết các yêu cầu về hộ khẩu đối với lao động nhập cư nông thôn ở các thành phố có dân số dưới 5 triệu người.
Nhưng ngay cả điều này cũng tạo ra những hệ lụy mới khi những người di cư có trình độ học vấn và giàu có hơn sẽ có được hộ khẩu ở các thành phố giàu có hơn với các dịch vụ công tốt hơn. Những người di cư nghèo hơn sẽ bị mắc kẹt ở các thành phố nhỏ hơn với tài chính công eo hẹp hơn và các dịch vụ xã hội chất lượng thấp hơn. Một số người lao động nông thôn hoàn toàn không muốn đổi hộ khẩu nông thôn của họ lấy hộ khẩu thành thị, vì điều đó có nghĩa là họ sẽ mất đi đất đai nông thôn có giá trị.■