Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
5154

Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh

Mong muốn trở thành quốc gia không còn ảnh hưởng của bom mìn, Việt Nam đã và đang nỗ lực khắc phục hậu quả, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an toàn cho người dân.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao trên thế giới. Ước tính số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước.

Cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm bom mìn.

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxine. Tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có trên 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.

Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Tính đến hết năm 2023, sau hàng chục năm tiến hành rà phá bom mìn, hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích còn bị ô nhiễm, cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm.

Vì thế, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài, nhằm bảo vệ an toàn cho nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đội rà phá vật cản, Lữ đoàn 543 thực hiện rà phá bom mìn tại địa bàn huyện Vị Xuyên, Hà Giang.

Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504). Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 504, ngày 4/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 319/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC).

Năm 2019, Chính phủ còn ban hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/3/2019.

Theo đó, quyền của nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh được quy định tại Điều 26 của Nghị định này là: Nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh được Nhà nước hỗ trợ y tế ban đầu, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm và bảo trợ xã hội. Con của nạn nhân bom mìn, vật nổ là trẻ em thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ học bổng, kinh phí mua phương tiện, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật. Ngoài ra còn được hưởng các quyền của người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

Điều 27 của Nghị định đã quy định những hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, cụ thể là: Nạn nhân bom mìn được Nhà nước hỗ trợ chăm sóc y tế khi bị tai nạn, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế và được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định về bảo hiểm y tế. Hỗ trợ về chỉnh hình, phục hồi chức năng. Hỗ trợ giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm cho nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Hỗ trợ sinh kế và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội. Hỗ trợ tái định cư và phát triển kinh tế cho dân cư thuộc khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Hỗ trợ học tập đối với con của nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh thuộc diện chính sách, hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Về chính sách của Nhà nước về nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh được quy định tại Điều 28 của Nghị định này như sau: Nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh được hưởng chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ để nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh được chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Khuyến khích và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, vật nổ…

 

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *