Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
20340

Những quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam

Ngày 25 tháng 11 hàng năm được Liên hiệp quốc lấy là ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 03 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát năm 1960 tại Cộng hòa Dominica; là dịp để các tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới, không phân biệt ngôn ngữ, màu da phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Năm nay, chủ đề “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới năm 2023 là: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Với các thông điệp như:

– Hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2023.
– Bình đẳng giới là chìa khoá để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
– Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
– Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.
– Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.
– Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với với phụ nữ và trẻ em.
– Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!
– Xây dựng gia đình thành nơi an toàn cho mỗi người.

Tại Việt Nam, cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái được quy định tại Điều 30 Luật Bình đẳng giới 2006 mà Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam làm đại diện. Theo đó, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam là cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái với trách nhiệm cụ thể sau:

1. Thực hiện các quy định tại Điều 29 của Luật này (Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật; Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức; Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới; Tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên thực hiện bình đẳng giới).

2. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lý, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị.

4. Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

Việt Nam đã dần từng bước xây dựng khung pháp lý giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình. (Ảnh minh họa)

 

Điều 3 Luật Bình đẳng giới 2006 cũng quy định về việc áp dụng điều ước quốc tế về bình đẳng giới như sau: Áp dụng điều ước quốc tế về bình đẳng giới và trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trừ Hiến pháp.

Ngoài ra, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới được quy định tại Điều 7 Luật Bình đẳng giới 2006 như sau:

1. Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

2. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.

3. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

4. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

5. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *