Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
9104

Các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn (phần 1)

Việt Nam đã nỗ lực trong triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn, khẳng định quyết tâm và chính sách nhất quán, tính nhân văn của hệ thống pháp luật và Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của Việt Nam nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng trong thực thi Công ước chống tra tấn, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Ngày 7/11/2013, Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Ngày 28/11/2014, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn.

Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.

Thực hiện quy định tại Điều 19 của Công ước, Việt Nam báo cáo kết quả năm đầu tiên (2015-2016) triển khai thực hiện công ước, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người…
Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công ước chống tra tấn, ngày 12/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về chống tra tấn.
Và trước khi tham gia Công ước chống tra tấn, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cơ bản và đầy đủ cơ chế bảo đảm quyền không bị tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục.
Cụ thể, Hiến pháp năm 1946 lần đầu tiên xác định một nguyên tắc về chống hành động tùy tiện trong hoạt động tố tụng ở Việt Nam. Theo đó, tư pháp không quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không được ai xâm phạm một cách trái pháp luật (Điều 11).
Nguyên tắc hiến định kể trên tiếp tục được các Hiến pháp về sau kế thừa và phát triển thành nguyên tắc đầy đủ về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự và nhân phẩm của công dân mà được áp dụng trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong hoạt động tố tụng (các Điều 27, 28 Hiến pháp 1959; Điều 69, 70, 71 Hiến pháp 1980, Điều 71 Hiến pháp 1992).
Điều 71 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) nêu rõ: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”.
Hiến pháp 2013 lần đầu tiên đề cập cụ thể đến việc cấm tra tấn. Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành liên quan đến phòng, chống tra tấn của Việt Nam có thể tóm tắt như sau:
Các quy tắc hiến định về quyền an ninh cá nhân, trong đó bao gồm quy định cấm tra tấn, được nêu trong các Điều 20 và 31 của Hiến pháp 2013.
Các quy định về bảo vệ quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể (Điều 33), quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34); quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38).
Các quy định về một số tội phạm trong các Chương XII – xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người), Chương XIII – xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân), Chương XXII – xâm phạm hoạt động tư pháp), Chương XXIII – xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân) trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bao gồm: Tội giết người (Điều 123), tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 127), tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129), tội bức tử (Điều 130), tội đe dọa giết người (Điều 133), tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137), tội hành hạ người khác (Điều 140); tội làm nhục người khác (Điều 155); tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157); tội dùng nhục hình (Điều 373), tội bức cung (Điều 374); tội làm nhục đồng đội (Điều 397), tội hành hung đồng đội (Điều 398), tội ngược đãi tù binh, hàng binh (Điều 420)…
(Còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *