Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23565

Cần hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của nhà báo

Báo chí không chỉ là nguồn cung thông tin thuần túy, mà còn thẩm định và lọc thông tin; thực hiện chức năng phản biện và phản bác; xác lập và bảo vệ chủ quyền thông tin của quốc gia; đấu tranh thông tin; định hướng dư luận; cung cấp kiến thức; bảo vệ cái đúng và phê phán cái sai, vì lợi ích của dân tộc, của đất nước…Tuy nhiên, không phải vì mang “quyền lực thứ tư” mà nhà báo muốn viết gì cũng được. Mọi hoạt động của báo chí đều phải tuân thủ theo đúng pháp luật.

Nhân Ngày Quốc tế chấm dứt sự miễn trừ với tội ác chống lại nhà báo (2/11), đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu Josep Borrell và Phó Chủ tịch Věra Jourová đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh: “Trong những thời khắc khó khăn này, khi thế giới bị tàn phá bởi chiến tranh, các cuộc xung đột và các hành động khủng bố , chúng ta nhớ đến và ca ngợi vai trò thiết yếu của các nhà báo và nhân viên truyền thông trong cuộc đấu tranh cho sự thật và nhân quyền. Các nhà báo góp phần chống lại thông tin sai lệch và những phát ngôn gây hận thù, đồng thời đóng vai trò đối trọng và giám sát các chính phủ và các định chế công. Họ làm sáng tỏ các tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền, ngay cả trong những hoàn cảnh đôi khi gây nguy hại đến tính mạng của họ. Chúng tôi kiên quyết lên án các vụ sát hại, tấn công thể xác, giam giữ tùy tiện, đe dọa, quấy rối, giám sát trực tuyến và trực tiếp – đây là những hành vi mà các nhà báo đôi khi phải đối mặt khi tác nghiệp. Các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới tiếp tục bị tấn công hoặc bị buộc đóng cửa, và các nhà báo ngày càng trở thành mục tiêu của các đạo luật hạn chế quyền tự do ngôn luận, cũng như của các vụ kiện tụng mang tính lạm quyền, dẫn đến hạn chế chủ nghĩa đa nguyên, tính độc lập trong biên tập cũng như sự vi phạm quyền tự do ngôn luận. Không thể có sự miễn trừ trách nhiệm nào cho các hành vi vi phạm nhân quyền và xâm phạm với các nhà báo. Chúng tôi kêu gọi thiết lập các khuôn khổ quốc gia hướng đến sự an toàn của các nhà báo, bao gồm các yếu tố như nâng cao nhận thức, phòng ngừa, bảo vệ và truy tố, đặc biệt là các biện pháp cụ thể để bảo vệ các nhà báo nữ và những người thuộc nhóm thiểu số”.

Báo chí Việt Nam đã tham gia hiệu quả bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Theo đó, Liên minh châu Âu cam kết tiếp tục hỗ trợ các nhà báo và nhân viên truyền thông độc lập ở khắp mọi nơi và ủng hộ hệ thống nhân quyền của Liên Hợp Quốc, bao gồm vai trò quan trọng của cả Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) và UNESCO nhằm hỗ trợ cho sự an toàn của các nhà báo và xác định các giải pháp chung.

Việt Nam hiện không “tam quyền phân lập”. Khoản 2 Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đã không có sự phân lập của 3 quyền thì cũng không có căn cứ để nói đến quyền thứ tư hay thứ năm… Và cũng không có căn cứ nào để xác định báo chí có quyền lực thứ mấy trong xã hội.

Nhưng khi thông tin tức là báo chí đã tham gia vào việc tác động vào các chủ thể, các thiết chế của xã hội. Trong vai trò này, người làm báo đóng vai trò hết sức quan trọng, thông qua các tác phẩm báo chí của mình. Điều này có nghĩa rằng, các chủ thể có thể tạo ra quyền từ thông tin, tác phẩm của mình. Quyền lực của báo chí được khẳng định ở tính chất đó.

Luật pháp Việt Nam cũng quy định rất rõ như sau:

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Báo chí 2016, báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Và theo khoản 1 Điều 25 Luật Báo chí 2016, nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo. Khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định: Nhà báo có quyền: hoạt động báo chí trên lãnh thổ Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, nhà báo cũng có các nghĩa vụ: thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật; phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật; tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Các nhà báo tác nghiệp tại Đảo Phan Vinh, thuộc Quần đảo Trường Sa.

Việt Nam cũng có Hội Nhà báo Việt Nam để bảo vệ quyền lợi của các nhà báo. Căn cứ khoản 1 Điều 2 Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 375/QĐ-TTg ngày 12/4/2023, Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

Điều 6 Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 375/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 quy định nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam như sau:

– Xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả theo quy định của pháp luật về báo chí, Điều lệ Hội và các quy định pháp luật có liên quan; tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

– Phản ánh, tư vấn, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển đối với báo chí và người làm báo, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và công tác hội cho hội viên.

– Đề nghị các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức Hội, hội viên.

Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của các nhà báo.

– Hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương trong hoạt động báo chí theo quy định pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo chí.

– Tham gia, phối hợp hoạt động báo chí với tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế có liên quan đến báo chí theo quy định pháp luật; hợp tác và tham gia các tổ chức báo chí trong khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

– Tham gia thẩm định sản phẩm báo chí và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Khen thưởng, kỷ luật tổ chức Hội, hội viên theo quy định pháp luật và Điều lệ Hội.

– Tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động của Hội.

– Hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động của Hội với Bộ Nội vụ và bộ, ngành quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động theo quy định pháp luật.

Đồng thời, Điều 7 Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 375/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 quy định quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam như sau:

– Đề xuất với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành có liên quan về chủ trương chính sách và cơ chế phát triển báo chí.

– Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

– Ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

– Tổ chức các hoạt động báo chỉ theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức các giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực theo quy định pháp luật.

Tuyển chọn các tác phẩm báo chí xuất sắc để tham gia các cuộc thi bảo chí trong nước và quốc tế.

– Đề xuất khen thưởng tổ chức, cá nhân thuộc Hội, các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí theo quy định pháp luật.

– Thành lập các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc Hội hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích, Điều lệ Hội và theo quy định của pháp luật.

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *