Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22204

Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn

Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987) là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội.

Ngày 07/11/2013, Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Ngày 28/11/2014, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn. Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.

Việt Nam tham gia ký kết Công ước chống tra tấn từ ngày 07.11.2013, phê duyệt ngày 05.2.2015
(Ảnh minh họa).

Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc tên đầy đủ là Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác (tiếng Anh: United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment) là một trong các văn kiện nhân quyền quốc tế và khu vực, dưới sự duyệt xét lại của LHQ, nhằm mục đích phòng chống tra tấn trên toàn thế giới. Công ước chống tra tấn được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Công ước chống tra tấn là 1 trong 9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người của LHQ.

Nội dung cơ bản của Công ước chống tra tấn (gọi tắt là Công ước): gồm Lời nói đầu và 33 điều, được chia thành 3 phần:
– Phần I (Điều 1 đến Điều 16)
– Phần II (Điều 17 đến Điều 24)
– Phần III (Điều 25 đến Điều 33)

Hệ thống pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ, chặt chẽ, chi tiết về phòng, chống tra tấn như: Ngày 28/11/2014, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn Công ước chống tra tấn của LHQ. Ngày 05/02/2015, Việt Nam chính thức nộp văn kiện phê chuẩn Công ước chống tra tấn tới Tổng thư ký LHQ. Trong văn kiện này, Việt Nam tuyên bố bảo lưu 02 quy định của Công ước Chống tra tấn, gồm có Điều 20 (thẩm quyền của Ủy ban chống tra tấn trong việc điều tra tình trạng tra tấn có hệ thống, trên diện rộng của quốc gia thành viên) và khoản 1 Điều 30 (về cách thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án Công lý quốc tế). Ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 364/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn hoặc các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật thi hành án hình sự năm 2019,…

Việc tham gia Công ước chống tra tấn là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao đáng kể uy tín quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tạo ra những động lực, cơ sở mới để thúc đẩy hoạt động phòng, chống tra tấn ở nước ta hiện nay.
Ảnh minh hoạ

 

Thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ của quốc gia thành viên được quy định tại Điều 19 Công ước, ngày 20/7/2017, Việt Nam đã gửi Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Chống tra tấn lần thứ nhất tới Ủy ban Chống tra tấn. Ngày 10-11/11/2018, Đoàn Công tác liên ngành của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn, đã tham dự Phiên đối thoại với Ủy ban Chống tra tấn về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam. Kết thúc Phiên đối thoại, Ủy ban Chống tra tấn đã gửi các khuyến nghị của mình tới Việt Nam (công bố ngày 28/12/2018).
Để phòng ngừa hành vi tra tấn, Việt Nam thực hiện các biện pháp lập pháp như sau:
(i) Quy định quyền không bị tra tấn trong Hiến pháp (Điều 20 Hiến pháp năm 2013);
(ii) Thực hiện cụ thể hóa quy định về cấm tra tấn tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013 và nội luật hóa nội dung của Công ước chống tra tấn vào hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, tổ chức điều tra hình sự, hành chính… và các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền con người;
(iii) Tiếp tục nghiên cứu, tham gia các điều ước khác về quyền con người
(iv) Quy định nhiều biện pháp mới nhằm phòng ngừa hành vi phạm tội của nhân viên công vụ, trong đó có hành vi tra tấn.
Quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, tổ chức điều tra hình sự, hành chính… Việt Nam đã bổ sung nhiều quy định mới để phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên công vụ như: Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can (Điều 183) và có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Điều 146), lấy lời khai (các điều 187, 188, 442), đối chất (Điều 189), xét xử (Điều 258); quy định về quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các điều 58, 59, 60, 61, 435); quy định người bào chữa có quyền tham gia từ thời điểm người bị bắt, có mặt trong các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, đề nghị tiến hành các hoạt động tố tụng theo luật định (các Điều 73, 80).
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định cụ thể về 35 chức danh có thẩm quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính và nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Việc quy định rõ ràng, cụ thể về các chủ thể có thẩm quyền giúp tránh lạm quyền trong việc tạm giữ người. Triển khai thi hành Công ước được thực hiện đồng thời với việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và đẩy mạnh cải cách hành chính ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm loại bỏ các điều kiện để cán bộ có thể lạm dụng công vụ gây bất lợi cho người dân, ví dụ như thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia công khai các thủ tục hành chính, thiết lập hệ thống phản ánh kiến nghị qua đường dây nóng, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch trực tuyến tránh tình trạng người dân tiếp xúc trực tiếp với cán bộ…
Ngoài ra, Việt Nam còn có các biện pháp tư pháp hoặc những biện pháp khác. Căn cứ vào đối tượng bị áp dụng và ý nghĩa thay thế hình phạt, các biện pháp tư pháp được chia thành hai nhóm:
(i) Các biện pháp chung áp dụng đối với mọi người phạm tội và chỉ nhằm hỗ trợ hình phạt được quy định tại các điều 47, 48, 48 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 20179, gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; và bắt buộc chữa bệnh.
(ii) Các biện pháp tư pháp thay thế hình phạt chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, được quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng.
Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm; giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh…
Bên cạnh đó, Chương XXXVI Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ (Điều 502). Để đảm bảo ngăn ngừa hành vi tra tấn, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan điều tra nhận người bị bắt giữ thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.
Để đảm bảo ngăn ngừa hành vi tra tấn, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan điều tra nhận người bị bắt giữ thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay…
H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *