Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
57360

Nhân dân cả nước tin tưởng và kỳ vọng bộ máy lãnh đạo mới “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới”

Thành công của Đại hội XIII đã góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước; động viên, cổ vũ toàn dân tộc phát huy tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng thay đổi để phát triển. Nội dung các văn kiện Đại hội XIII “thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân”, hoà quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Điểm bầu cử trong khu cách ly ở Đà Nẵng

Ðại hội XIII không chỉ xác định mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới của nhiệm kỳ (2021-2026), mà cho cả 10 năm và tầm nhìn chiến lược hướng đến giữa thế kỷ XXI với hai cột mốc quan trọng: 100 thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2045). Có thể nói, đường hướng, mục tiêu phát triển đất nướccơ bản đã được vạch ra, nhưng đường hướng ấy có đi vào cuộc sống hay không, có trở thành hiện thực sinh động hay không, tất yếu phải lựa chọn được đội ngũ cán bộ ngang tầm đảm bảo cho sự thành công của đường lối phát triển!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác cán bộ và lựa chọn cán bộ. Người cho rằng, “khi đã có chủ trương, đường lối, chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ và kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Người nhiều lần khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Văn kiện hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Đảng ta cũng xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Tư tưởng bao trùm và xuyên suốt trong việc sử dụng cán bộ là phải “biết dùng đúng người, đúng việc, phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng trí thức, trọng người có ích cho công việc chung”. Thực tiễn sinh động qua các thời kỳ cách mạng đã chứng minh chân lý ấy hoàn toàn đúng đắn!

Nắm vững nguyên lý ấy, ngay sau Đại hội Đảng, song song với việc triển khai học tập Nghị quyết, các vị trí lãnh đạo các ban đảng đã được Bộ Chính trị khóa XIII nhanh chóng phân công, kiện toàn. Tiếp đến, nhân sự lãnh đạo bộ máy nhà nước, các chức danh lãnh đạo nhà nước chủ chốt, được dự kiến trong quá trình lựa chọn, sắp xếp nhân sự của Đại hội XIII như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số chức danh lãnh đạo khác của bộ máy Nhà nước đã được bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp 11 – kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Đây vừa là một quy trình pháp lý quan trọng, cần thiết, bảo đảm tính chính danh của Đảng cầm quyền, là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền nhằm thể chế hóa công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng: Đảng cầm quyền nhưng không làm thay nhà nước, mà phải thông qua bộ máy nhà nước, cụ thể là các nhân sự đứng đầu để từng bước thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng, tổ chức thực hiện, biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực; nhưng đồng thời, qua quy trình này, một lần nữa cho phép rà lại tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, đảm bảo đủ đức tài gánh vác trọng trách mà Đảng đã vạch ra.

Theo quy định của Hiến pháp, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đã tuyên thệ. Những lời tuyên thệ ấy là thiêng liêng trước anh linh của Tổ quốc, trước những người đã ngã xuống vì nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, là lời hứa cam kết trước quốc dân đồng bào, là chương trình hành động vắn tắt của cả nhiệm kì.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5 – 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 – 5.000 USD đến năm 2025 thực sự là một thách thức đối với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là với tân Thủ tướng trong vai trò trực tiếp điều hành nền kinh tế. Lời tuyên thệ nhậm chức của tân Thủ tướng thực sự là một chương trình hành động, yêu cầu từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện; đề cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quyết liệt, hiệu quả trong hành động; có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tiếp tục đẩy mạnh Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo. Lời tuyện thệ thực sự là một thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự khát vọng phát triển đất nước ngay trong những ngày đầu của nhiệm kỳ!

Chúng ta kỳ vọng vào tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới” của tân Thủ tướng sẽ hiện thực hóa khát vọng hùng cường của toàn dân tộc. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không chỉ làước mơ mà khát vọng ấy mang sức sống hiện thực, được hình thành, bồi đắp qua thời gian, có cơ sở khoa học với lộ trình hướng đích và bước đi được dự liệu rõ ràng. Các tân thành viên Chính phủ sẽ phát huy hơn nữa tinh thần hành động kiến tạo, bám sát cuộc sống của nhân dân để phản ứng nhanh, kịp thời những vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi. Chỉ có theo sát cuộc sống của nhân dân mới đưa ra được những quyết định, những điều chỉnh kịp thời và có hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là động lực phát triển đất nước. Tiếp tục mở rộng dân chủ, trước hết là dân chủ trong đảng để huy động được sức mạnh tổng lực của toàn bộ đảng viên. Và, quan trọng hơn nữa là mở rộng dân chủ trong toàn xã hội. Một khi dân chủ trong xã hội được mở rộng là lúc sức mạnh của toàn dân được huy động có thể “dời non lấp bể”. Quan tâm đến người dân, trước tiên là quan tâm đến các quyền cơ bản của con người, quyền công dân. Bảo đảm các quyền cơ bản của con người, quyền công dân, là tự giải phóng nội lực, “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, là động cơ đẩy toàn bộ đất nước tiến lên phía trước.

Nhân dân cả nước tin tưởng và kỳ vọng bộ máy lãnh đạo mới của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy hết trí tuệ, năng lực, tiếp bước những thành công của nhiệm kỳ trước, lãnh đạo đất nước sớm vượt qua thử thách của đại dịch COVID-19, tiếp tục phát triển, hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước hùng cường, thịnh vượng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.■

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *