Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
25276

Bảo đảm quyền của người lao động di cư Việt Nam ở nước ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế

Nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp tạo cơ sở vững chắc để bảo vệ quyền của người lao động di cư, nhất là trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế sâu rộng, lao động di cư trở thành một phần không thể tách rời giữa các nền kinh tế như hiện nay. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”1 nhằm bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Điều đó đã thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước ta đối với thế giới cũng như niềm tin yêu của người Việt Nam ở nước ngoài đối với Đảng và Nhà nước.

Trước hết, phải khẳng định, bảo đảm quyền của người lao động di cư Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Nhà nước với công dân.

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948, Điều 23 quy định: (1) Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp. (2) Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử. (3) Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác. (4) Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tại khoản a Điều 7 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 quy định: (1) Tiền lương thỏa đáng và tiền công bằng cho những công việc có giá trị như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào; đặc biệt, phụ nữ phải được bảo đảm những điều kiện làm việc không kém hơn đàn ông, được trả công ngang nhau đối với những công việc giống nhau; (2) Một cuộc sống tương đối đầy đủ cho họ và gia đình họ phù hợp với các quy định của Công ước này. Khoản a Điều 8 cũng quy định: quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn do mình lựa chọn, theo quy chế của tổ chức đó, để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế – xã hội của mình. Việc thực hiện quyền này chỉ bị những hạn chế quy định trong pháp luật và cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích của an ninh quốc gia và trật tự công cộng, hoặc vì mục đích bảo vệ các quyền và tự do của những người khác.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong Công ước số 98 năm 1949 và Công ước số 143 năm 1975 về LĐDC bước đầu đã thể chế hóa quyền của lao động di trú. Trên cơ sở đó, Liên hiệp quốc đã ban hành Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 19905 . Công ước này đã có những quy định cụ thể về quyền làm việc của LĐDC tại các quốc gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền làm việc của LĐDC trong thực tế.

Giảm chi phí các kênh di cư hợp thức sẽ tạo nhiều cơ hội giúp người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo con đường chính thống

Ở nước ta, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019, đã tạo khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh thúc đẩy việc bảo vệ quyền của người LĐDC theo tiêu chuẩn quốc tế6. Theo đó, Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ quy định: Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, trong đó có quản lý nhà nước các dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác bảo hộ công dân. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức di cư quốc tế (International Organization for Migration) từ tháng 11/2007 và tham gia tích cực các hoạt động của ILO cũng như các diễn đàn quốc tế, trong nước trên lĩnh vực này.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 được Quốc hội khoá XIV kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, gồm 8 chương, 74 điều đã có nhiều điểm mới giúp bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động di cư Việt Nam.

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *