Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
9469

Các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn (phần 2)

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người. Theo đó, mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đều bị xử lý theo pháp luật.
 
Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) cũng đã sửa đổi tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội dùng nhục hình, tội bức cung theo hướng tăng nặng nhằm đảm bảo yêu cầu về phòng, chống tra tấn, cụ thể đã:
Bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điểm b Khoản 3 Điều 157, mức hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù).
Bổ sung hành vi “Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội dùng nhục hình (Điều 373). Điều luật cũng quy định nếu người phạm tội làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm (khoản 3); làm người bị nhục hình chết thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).
Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung vào tội Bức cung (Điều 374). Trường hợp “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm (khoản 2); phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).
Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật khác cũng đề cập đến vấn đề phòng, chống tra tấn, như:
Các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có tác dụng phòng những hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, bao gồm: Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân (Điều 8), bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân (Điều 10), bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (Điều 11) và những quy định về các quyền tố tụng của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người bào chữa.
Các quy định trong Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 về nguyên tắc tạm giữ, tạm giam (khoản 3 Điều 4), các hành vi bị nghiêm cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình… (khoản 1 Điều 8).
Các quy định trong Luật về thi hành án hình sự năm 2010 nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, trong đó đề cập đến các vấn đề như chế độ giam giữ, sinh hoạt, lao động, học tập…, thanh tra, giám sát, khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự. Những quy định này đã được cụ thể hóa trong một số văn bản dưới luật, trong đó tiêu biểu là Nghị định số 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân…
Các quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nhằm bảo vệ quyền của những người bị tước tự do khi bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp xử lý hành chính (bao gồm người bị tạm giữ hành chính, người bị đưa vào trường giáo dưỡng, người bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc). Những quy định này đã được cụ thể hóa trong Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 02/2014/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc và một số văn bản khác liên quan.
Ngoài những quy định kể trên, pháp luật Việt Nam cũng đã quy định vấn đề bồi thường cho những nạn nhân bị oan sai trong hoạt động tố tụng. Trước đây, Điều 72 Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên quy định: “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”.
Quy định này được tái khẳng định và cụ thể hóa hơn trong khoản 5 Điều 31 Hiến pháp 2013, theo đó, những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự; đồng thời những người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.
Vấn đề bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự cũng được đề cập trong Điều 31 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và cụ thể hóa trong Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *