Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một thiên anh hùng ca bất hủ, một chiến công chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh; có giá trị, ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, được cả thế giới ca ngợi và ngưỡng mộ vì nó đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ; chứng minh sự khôn khéo, tài tình của nghệ thuật quân sự Việt Nam, biết “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều”…
Thế nhưng, giữa lúc quân và dân cả nước hân hoan chào mừng sự kiện vĩ đại: 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì những giọng điệu lạc lõng, hết sức sai trái, cho rằng Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là sự “ăn may”, “một sự tình cờ”, do “Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ” và “quân đội Pháp chẳng may trượt chân, vấp ngã” còn Chính phủ Hồ Chí Minh và Quân đội nhân dân Việt Nam được dịp “ăn may”, chẳng có công cán gì. Có ý kiến còn cho rằng, “tổ chức diễu – duyệt binh ở Điện Biên Phủ với gần triệu người gây tốn kém tiền thuế của dân”, “phô trương thanh thế của quân đội”, “cạnh tranh sức mạnh giữa Quân đội với Công an – giữa thanh bảo kiếm với lá chắn”, “Đảng, Nhà nước Việt Nam không chăm lo phát triển kinh tế – xã hội”. Nguy hiểm hơn, có ý kiến còn cho rằng “đó là sự lấp liếm, che giấu sự đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ Đảng, Nhà nước, Quốc hội”, “sự ngụy trang, bịt mắt dân trước sự khủng hoảng của chính trường Việt Nam”, v.v..
Đúng là giọng điệu “con buôn” thật ghê tởm của những kẻ “hư vô lịch sử”, chà đạp thô bạo lên giá trị chiến thắng bằng máu xương của các anh hùng liệt sĩ, suốt 9 năm, hơn 3.285 ngày đêm đằng đẵng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định chân lý: Một dân tộc đất không rộng, người không đông; kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu; Quân đội nhân dân vừa mới ra đời chưa đầy 10 năm, vũ khí còn thô sơ, thiếu thốn phương tiện quân sự nhưng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản, sự “chung sức đồng lòng” cùng vào cuộc của cả một dân tộc, quân và dân ta đã đánh bại đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp – một quân đội của một quốc gia phương Tây hùng mạnh, lắm tiền, nhiều của; khoa học kỹ thuật tiên tiến; quân nhân được trang bị hiện đại từ chân đến đầu khiến họ đã thất bại thảm hại, phải cuốn cờ về nước, ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam mới một chiến công chói lọi, đã viết tiếp trang sử chiến thắng của Chi Lăng, Đống Đa – Thăng Long – Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh.
Một trong những bài học quý rút ra từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với gần 10 năm xây dựng Quân đội ta là xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, lấy xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và tạo ra “thế trận lòng dân” vững chắc để tiến hành chiến tranh cách mạng; xây dựng và phát huy tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh, ý chí quyết tâm đánh giặc và thắng giặc của quân và dân ta; hoàn toàn không phải là chiến thắng do sự “tình cờ”, “ăn may” như một số người đã giao giảng sai trái.
Giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ còn thể hiện ở nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch, chớp thời cơ và định hướng đấu tranh, quyết chiến chiến lược sát với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước vào đầu năm 1954. Ý nghĩa của bài học “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” là một trong những bài học được áp dụng hiệu quả nhất để giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 94 năm qua.
Bài học ấy đã được vận dụng vào thực hiện thắng lợi Đại thắng mùa Xuân 1975 và giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam năm 1978 và biên giới phía Bắc năm 1979; được phát huy lên tầm cao mới trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau 40 năm đổi mới đất nước, nhất là trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần đập tan âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.