Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
7178

Thúc đẩy việc làm bền vững cho lao động nữ ở Việt Nam

Thúc đẩy việc làm bền vững và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm, là một trong những ưu tiên chính của Chương trình Việc làm Bền vững của ILO. ILO và các cơ quan, tổ chức của Việt Nam từ lâu đã hợp tác thúc đẩy tuyên truyền bình đẳng giới giữa lao động nam và nữ trên toàn quốc.

Tại Việt Nam, cũng như ở các nước đang phát triển, phụ nữ vẫn tiếp tục là lực lượng chính cấu thành nhóm lao động nghèo, có thu nhập thấp hơn, dễ trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp hơn, và có điều kiện việc làm bấp bênh hơn nam giới. Phụ nữ Việt Nam chủ yếu làm việc trong các ngành nghề có thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương. Phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong nhóm làm công việc của gia đình không được trả lương, và trong khu vực “vô hình” của nền kinh tế phi chính thức – họ làm giúp việc gia đình, lao động tại gia, bán hàng rong và làm việc trong ngành công nghiệp giải trí.

Vị trí của phụ nữ trong thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi các bất lợi về kinh tế- xã hội xuất phát từ phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Phụ nữ Việt Nam thường ít được tiếp cận đến các nguồn lực sản xuất, giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm hơn so với nam giới. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do xã hội gán cho người phụ nữ địa vị thấp hơn và đặt gánh nặng làm công việc nhà không lương lên vai người phụ nữ, nhưng vẫn mong muốn họ tham gia sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp và nền kinh tế thị trường.

Và cùng góp phần trong nỗ lực chung hướng vào tăng cường cơ hội của phụ nữ phát triển trong môi trường doanh nghiệp; ngăn chặn bóc lột lao động (di cư) trẻ em và phụ nữ; và tăng cường mức độ bình đẳng giới trong pháp luật lao động như cấm phân biết đối xử trên mọi hình thức trực tiếp hay gián tiếp, và thúc đẩy bình đẳng thu nhập, phòng chống quấy rối tình dục và cân bằng độ tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ và nam giới, từ năm 1980 đến hết năm 2017, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó, quyền con người ngày càng được cụ thể hóa. Các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia đã được nội luật hóa mạnh mẽ trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, trong đó có các văn bản pháp luật về bình đẳng giới

Lao động nữ cần được quan tâm nhiều hơn nữa

Hiến pháp năm 2013 quy định công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới, nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới (khoản 1, khoản 3 Điều 26); người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi; nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động (khoản 2, khoản 3 Điều 35); Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định (khoản 2 Điều 57). Khoản 1 Điều 13 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.

Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 nghiêm cấm “phân biệt đối xử trong lao động”. Bộ luật này quy định phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính… có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2019 còn ghi nhận chính sách của Nhà nước như sau: Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bộ luật Lao động năm 2019 còn quy định khá chi tiết về tuyển dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi… nhằm bảo vệ quyền lợi đặc thù của lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giữa lao động nam và nữ, trường hợp người sử dụng lao động vi phạm các quy định bình đẳng giới liên quan đến lao động thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được xem là biện pháp chiến lược để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù của mỗi giới; tạo cơ hội phát triển như nhau cho nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ.

 

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *