Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
3440

Bản phúc trình của HRW cho thấy vẫn chỉ là “ bình mới rượu cũ”

Ngày 13/1/2022, tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đưa ra bản “Phúc trình toàn cầu” thêm một lần nữa lại có “điệp khúc” khi cho rằng năm 2021 “chính quyền Việt Nam trừng phạt một cách có hệ thống các nhà hoạt động dám thách thức tình trạng đàn áp” và nêu cụ thể “ Nhà nước Việt Nam đã tống giam ít nhất 63 người vì bày tỏ chính kiến hoặc tham gia các nhóm bị coi là chống chính quyền, trong số đó có nhiều người đã bị các bản án rất nặng nề sau các phiên xử bất công”. Rồi có ý kiến còn xuyên tạc rằng: “Chính quyền Việt Nam núp bóng đại dịch covid-19 để tiến hành đàn áp nặng tay đối với các hoạt động ôn hòa khiến đa số các vụ đàn áp không được thế giới biết đến. Dường như chính quyền muốn xóa sổ phong trào bất đồng chính kiến đang lớn mạnh bằng các án tù khắc nghiệt trước khi thế giới quan tâm chú ý đến Việt Nam trở lại”…

Bản “Phúc trình toàn cầu dài hơn 750 trang đánh giá việc thực thi nhân quyền năm 2022 trên toàn thế giới với danh sách liệt kê khoảng gần 100 quốc gia. Đáng chú ý, người đứng đầu tổ chức này cho rằng, trong thời gian gần đây xuất hiện ở nhiều quốc gia hiện tượng rất đông người xuống đường bất chấp các nguy cơ bị bắt hay bị bắn đã cho thấy “mong muốn sống trong thế giới dân chủ vẫn còn mạnh mẽ” và còn có giọng điệu vu cáo Việt Nam: hạn chế nghiêm ngặt các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do biểu đạt, ngôn luận, thông tin, lập hội và nhóm họp ôn hòa cũng như quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền cơ bản của con người ở Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp và được bảo vệ, thúc đẩy trong các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trên thực tế.

Điểm qua những nội dung trên mà họ đưa ra trong bản phúc trình cho thấy vẫn chỉ là “ bình mới rượu cũ”, nếu có khác chỉ là thời gian và các vụ việc họ đưa ra, còn mục đích xuyên tạc, thậm chí là vu khống thì không có gì thay đổi cả. Bao trùm toàn bộ bản phúc trình vẫn là sự đánh tráo, đổi trắng thành đen về vấn đề dân chủ, nhân quyền thông qua việc tập hợp một loạt các vụ án hình sự mà các cơ quan chức năng đã và đang xử lý. Tổ chức HRW đã gán ghép vấn đề báo chí vào các bị can, bị cáo đã bị khởi tố, điều tra, xét xử để làm cái cớ vu cáo chính quyền Việt Nam “bắt giữ nhà báo”, “tống giam người bất đồng chính kiến”, bức cung, nhục hình…Cũng được xin nói rõ rằng với cách gọi “phong trào bất đồng chính kiến”, “những người bất đồng chính kiến”, “tù nhân lương tâm”…là những cách gọi để đề cao, tôn vinh những đối tượng vi phạm pháp luật ở Việt Nam hòng “đánh bóng tên tuổi” cho các đối tượng này để tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài vốn từ lâu đã không có thiện chí và không ủng hộ Việt Nam.

Trước đó, năm 2021, Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định đặc xá cho 3.035 người (trong đó có 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù). Đồng thời giám sát thực hiện nghiêm Công ước chống tra tấn mà Việt Nam là thành viên.

Việc Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc xá tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và cho những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Chính sách nhân đạo đó không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn, mà còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Điều đó, một lần nữa được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong buổi làm việc với Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2022 khi Chủ tịch nước yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cộng đồng các địa phương tạo mọi điều kiện để người được đặc xá tha tù trước thời hạn sớm hòa nhập cộng đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *