Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
39626

Giáo dục Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ 59 thế giới

Đây là thông tin vừa được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin trong báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024.

Hiện, ngành giáo dục Việt Nam đã tích cực xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới; triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình.

Đội ngũ giáo viên cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.

Năm học 2022-2023, cả nước có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non (giảm 67 trường so với năm học trước) và 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông.

Cả nước có 1.976.744 học sinh các cấp (tăng 499.960 em). Tỉ lệ học sinh/lớp ở cấp Tiểu học là 32,1, THCS là 37,71 và THPT là 40,27. Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…

Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế đạt kết quả cao với 11 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 12 huy chương đồng và 5 bằng khen.

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn quốc đạt 98,88%, phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.

Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 tại Hoa Kỳ; các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Những thành quả này cho thấy, giáo dục đã, đang và sẽ là quốc sách hàng đầu của Việt Nam.

Theo dự thảo chiến lược thì mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của giáo dục Việt Nam là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đồng thời, xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Ngoài đặt mục tiêu cho từng bậc học: mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên, đại học, dự thảo chiến lược cũng đưa ra những chỉ số phát triển cụ thể cho từng bậc học. Những chỉ số này sẽ là thước đo để định lượng được kết quả phát triển qua từng giai đoạn, tránh được những đánh giá chung chung, mang tính định tính.

Được biết, ngày 03/12/2018, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/73/25 và quyết định ấy ngày 24/01 hàng năm làm ngày Quốc tế Giáo dục. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò của ngành giáo dục đối với sự phát triển của toàn thể xã hội.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, ước tính có khoảng 258 triệu thanh niên và trẻ em trên thế giới không được đi học. Bên cạnh đó, có khoảng 617 triệu trẻ em không thể đọc chữ và tính toán cơ bản, nhất là ở các quốc gia châu Phi. Được biết, chỉ có khoảng 40% bé gái ở “lục địa đen” đã hoàn thành xong chương trình Trung học cơ sở và có khoảng 4 triệu trẻ nhỏ trên toàn cầu phải nghỉ học do tị nạn.

Đây đều là những con số biết nói và cho thấy thực trạng báo động về tình hình giáo dục trên toàn thế giới, từ đó nêu cao về tầm quan trọng của ngành giáo dục, yêu cầu các quốc gia phải nhanh chóng hành động để tất cả các trẻ em có thể chạm đến tri thức, cải thiện cuộc sống tốt hơn và góp phần vào sự phát triển của toàn xã hội.

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *