Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
8222

Việt Nam đẩy mạnh xử lý tình trạng buôn bán động vật hoang dã quý, hiếm

Nạn săn bắt và buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã (ÐVHD) đang làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều giống, loài quý hiếm, gây mất cân bằng sinh thái và môi trường sống. Trước thực trạng trên, Việt Nam đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ ÐVHD nguy cấp, quý hiếm, số vụ vi phạm về ÐVHD đã giảm qua các năm.

Theo báo cáo về Công tác xử lý tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) công bố hồi cuối năm 2023, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã. 95% số vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng bị bắt giữ; 79% các vụ án hình sự có đối tượng đã được đưa ra xét xử và kết án với mức án tù trung bình là 3,01 năm. Báo cáo cũng khẳng định những chuyển biến tích cực sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018 đã tạo ra một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra và xử lý tội phạm về ĐVHD.

Hoạt động tái thả động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).

Ngoài ra, 298 vụ vi phạm liên quan quảng cáo bán động vật hoang dã trực tuyến đã được xóa bỏ thành công nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng và sự phối hợp của các nhà cung cấp mạng xã hội sau khi tiếp nhận thông tin từ ENV.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, quản lý, buôn bán trái phép ÐVHD, thông qua việc tham gia, thực thi các Công ước quốc tế liên quan như: tham gia vào Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia. Để thực thi các nghĩa vụ cam kết trong khuôn khổ Công ước CITES, Việt Nam đã xây dựng các Nghị quyết, Quyết định liên quan đến bảo vệ loài, sửa đổi, bổ sung Phụ lục CITES như nâng hạng bảo vệ nhiều loài có phân bố tại Việt Nam như rùa hộp trán vàng, rùa đầu to, các loài thạch sùng mí…

Hệ thống các văn bản pháp luật về bảo vệ ĐVHD của Việt Nam cũng được hoàn thiện như: Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Chỉ thị 29/CT-TTG ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD…

Cơ quan chức năng tiêu hủy tang vật thu giữ của các đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD

Cùng với đó là các chế tài xử lý vi phạm từ hành chính đến hình sự đối với các hoạt động săn, bắt, tàng trữ, vận chuyển, ĐVHD đã được quy định rõ tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi 2017 gồm các Điều 234 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã ”Điều 244“Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Theo đó, tội phạm trong lĩnh vực ĐVHD được pháp luật xem là loại hình tội phạm nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng.

Các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD được xây dựng chặt chẽ, rõ ràng, phù hợp với quy định của CITES và điều kiện thực tế của Việt Nam. Một số quy định có sự phối hợp liên ngành trong quản lý, đảm bảo quản lý chặt chẽ và minh bạch, đồng thời tạo thuận lợi cho tổ chức cá nhân thực hiện như quy định về cấp giấy phép CITES xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu qua hệ thống Một cửa quốc gia. Về danh mục loài, Việt Nam cũng đã quy định rõ danh mục hơn 200 loài ĐVHD cấm khai thác, sử dụng, cấm đầu tư, kinh doanh.

Về chế tài xử lý vi phạm, các quy định xử lý hành chính, hình sự của Việt Nam đối với vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD được quy định rõ tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi 2017 gồm các Điều 234 “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã ”Điều 244“Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Theo đó, tội phạm trong lĩnh vực ĐVHD được pháp luật xem là loại hình tội phạm nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về ĐVHD vẫn diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp vận chuyển với số lượng lớn. Có trường hợp đối tượng người nước ngoài lợi dụng Việt Nam làm nơi trung chuyển.

Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường thực thi pháp luật, thông qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, của cán bộ công chức đối với việc bảo vệ ĐVHD, trong đó có việc không sử dụng sản phẩm từ ĐVHD; tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm về ĐVHD. Chung tay bảo vệ các loài ĐVHD, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục có những hành động mạnh mẽ bảo vệ các loài ĐVHD và môi trường sống tự nhiên của chúng; đồng thời nâng cao hiệu quả răn đe và đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm thông qua việc đấu tranh không khoan nhượng trong công tác xử lý các vụ án.

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *