Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
94276

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: “Thể chế mềm” bảo đảm quyền tự do cá nhân phù hợp chuẩn mực quốc tế 

 

Ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” với những quy định chi tiết, rõ ràng. Phạm vi và đối tượng áp dụng của Bộ Quy tắc gồm 3 nhóm đối tượng là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Bộ cũng đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung gồm: 1- Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; 2- Quy tắc Lành mạnh (hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); 3- Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; và 4- Quy tắc Trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).

Bất chấp Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tuy không mang tính chất bắt buộc hay có chức năng xử phạt nhưng nó khuyến khích mọi người hành xử đúng trên mạng, hướng người dùng tới chuẩn mực chung, tôn trọng pháp luật khi dùng mạng xã hội nâng cao trách nhiệm đồng thời có thể tránh được những cạm bẫy, hay sự vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đi ngược với mục tiêu cao đẹp, xuất hiện một số trang, nhóm lên án, công kích Bộ Quy tắc này “đi ngược xu thế phát triển thời đại”, “bịt miệng người dân”, “đàn áp tự do ngôn luận”, …

Bài báo của Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức đã phản bác lập luận này và cho rằng Bộ quy tắc này là “thể chế mềm” nhằm bảo vệ quyền tự do cá nhân, tự do kinh doanh phù hợp với huẩn mực đạo đức, pháp luật và thông lệ quốc tế. Lập luận ông này đưa ra có mấy điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, các quốc gia, chính thể trên thế giới đều có hình thức điều chỉnh khác nhau với môi trường mạng xã hội nhằm ngăn chặn những nội dung gây hại, xấu độc, kích động thù hận, xâm phạm đến lợi ích của các cá nhân, cộng đồng, đe dọa an ninh xã hội, an ninh quốc gia.

Cuối tháng 4-2021, Nghị viện châu Âu thông qua biện pháp buộc các nền tảng truyền thông xã hội phải nhanh chóng xóa hoặc chặn quyền truy cập vào các nội dung trực tuyến mang ý nghĩa “khủng bố”. 27 nước trong Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thảo luận những biện pháp cứng rắn trong việc quản lý kênh truyền thông xã hội và các phát ngôn trực tuyến tại các quốc gia trong khối, với mục tiêu định hình môi trường mạng xã hội an toàn, cởi mở, sáng tạo và đáng tin cậy.

Với cả khối EU là như vậy, từng nước thành viên cũng có những biện pháp quản lý mạng xã hội cụ thể, chi tiết hơn. Như Đức đã ban hành Bộ luật NetzDG (Luật cải tiến chấp pháp tại các mạng xã hội), có hiệu lực từ ngày 1-10-2017 và chính thức áp dụng từ ngày 1-8-2018. Bộ luật NetzDG có những quy định buộc các công ty truyền thông xã hội phải nhanh chóng gỡ bỏ những nội dung “rõ ràng là bất hợp pháp”, như “lời nói căm thù, phỉ báng” và các “tin tức giả mạo” nếu không muốn đối mặt với khoản tiền phạt lớn. Hay như Pháp cũng đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bội nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù; chống lại việc xâm phạm đời tư; cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia… Các điều khoản cụ thể được quy định tại Luật Tự do báo chí, Bộ luật Dân sự, Luật Hình sự. Các nước khu vực Nam Á, như Ấn Độ, Xri Lan-ca, Băng-la-đét,… cũng ban hành những quy định pháp luật liên quan đến việc sử dụng “ngôn từ thù hận” và những lời nói, hành động chia rẽ dân tộc, gây xung đột xã hội.

Trong bối cảnh chung ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, nhất là khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Thế nên, việc ban hành những văn bản quy phạm pháp luật, những quy định “mềm” nhằm quản lý, điều chỉnh các đối tượng tham gia mạng xã hội là lẽ đương nhiên, là sự cần thiết.

Thứ hai, những tai họa do mạng ảo gây ra cho xã hội là thường trực, nhất là từ những KOLs

Trên thực tế, không ít nghệ sĩ, doanh nhân, những người có tích xanh đã vượt quá giới hạn khi sử dụng mạng xã hội và bị nhắc nhở, kỷ luật, thậm chí cách chức. Những ví dụ về việc mạng ảo gây tai họa thật đã có nhiều, thực sự là bài học đắt giá cho nhiều người, nhất là những người có ảnh hưởng trên không gian mạng. Một ví dụ mới đây, sau trận đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam thua đội Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tại vòng loại World Cup 2022 ngày 16-6-2021, rất nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam đã “phẫn nộ” hung hăng, dữ dằn “tấn công” tài khoản Facebook của trọng tài bắt chính trận đấu A-li Sa-bát (Ali Sabah Adday Al-Qaysi) người I-rắc. Báo chí nước ngoài đưa tin, người dùng mạng xã hội thế giới chê cười, lên án. Vị trọng tài A-li Sa-bát phải tạm khóa tài khoản Facebook, đồng thời cầu cứu: “Tôi bị xúc phạm bởi những bình luận của người hâm mộ Việt Nam. Mặc dù tôi đã thổi phạt đúng luật nhưng họ vẫn chửi bới và xúc phạm tôi, thậm chí họ còn đòi giết tôi”. Hành động bồng bột, a dua “hội chứng đám đông”, phản cảm, đáng lên án, đã làm xấu xí hình ảnh đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh con người, đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Cơ sở ban hành Quy tắc trên, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ thực trạng sự phát triển của mạng xã hội những năm gần đây, đặc biệt là hai mạng xã hội của nước ngoài là Facebook và Youtube với “những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội”, đồng thời khẳng định việc tăng cường công tác quản lý để hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng. Từ năm 2017 đến nay, Ngành này đã xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội Youtube, Facebook vi phạm, trong đó đáng chú ý như: Xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh-Timmy tại Thành phố Hồ Chí Minh, kênh Hưng vlog, Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương. Đồng thời, Bộ cũng đã yêu cầu Google đóng nhiều kênh Youtube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật”. Nhưng, việc xử lý vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh. Không ít đối tượng vì thiếu hiểu biết, a dua theo trào lưu, hám lợi mù quáng vẫn tiếp tục đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép;… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, việc chấn chỉnh những hành động lệch lạc, phạm pháp, tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm là hết sức cần thiết, để tránh gây những tác động xấu tới dư luận xã hội.

Trước đó, từng có không ít nghiên cứu khoa học, hội thảo nêu sự cần thiết điều chỉnh phát ngôn gây thù ghét  ngày càng phổ biến và đang trở thành một vấn đề cấp thiết hiện nay ở Việt Nam với rất nhiều trường hợp nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có hơn 60 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH). Một khảo sát do Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) thực hiện, có đến 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên MXH. GS.TS. Phạm Quang Minh – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội từng nêu quan điểm: “Mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi lớn cho công dân toàn cầu có thể tự do kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên, nó cũng trở thành công cụ miễn phí và vô hình mà bất cứ ai có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận (hate speech) với cá nhân và tổ chức. Tình trạng này đang ngày càng nghiêm trọng và đang tạo nên một thách thức lớn không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu”.

Thời gian gần đây, những mặt trái của mạng xã hội ngày càng biểu hiện rõ nét hơn và theo đó, nó cũng tác động tiêu cực một cách trực tiếp đến nhận thức của cư dân mạng, trong đó đáng lo ngại nhất là số thanh, thiếu niên Việt Nam. Chẳng hạn như loạt bài viết, video phản cảm, mang văn hóa phẩm đồi trụy, thậm chí là kích động bạo lực lan tràn khắp trên không gian mạng và nó lại thu hút rất nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận, trong khi một bộ phận “tín đồ” mạng xã hội lại tỏ ra thờ ơ với nhiều điều bổ ích, hay ho được cập nhật trên không gian mạng.

Như vậy, cùng với Luật An ninh mạng với chế tài nghiêm khắc xử lý sai phạm trên không gian ảo thì việc ban hành Quy tắc ứng xử này là những quy định “mềm” mang tính phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, có ích, giúp mỗi người dân khi giao tiếp, hành động trên “mạng ảo” có thể nhận rõ trách nhiệm, quyền lợi, giới hạn của mình để thực hiện đúng, tốt những quy định mà pháp luật đề ra. Lẽ tất nhiên, một khi thực tế “đi trước”, phát sinh những điều mà pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời thì việc bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, những quy định “mềm” để quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện tốt cho sự phát triển lành mạnh, bền vững là điều cần nhận diện, sớm triển khai. Có như thế, quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mỗi công dân đã được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định mới không quá đà dẫn đến lộng ngôn, loạn ngôn, vi phạm pháp luật, gây tác động tiêu cực đến an ninh xã hội, thuần phong mỹ tục, đến sự phát triển lành mạnh của đất nước.

Khánh Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *