Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
47947

Luật Đất đai sửa đổi sẽ đảm bảo lợi ích của nông dân bị mất đất

 

Tại Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII thông qua Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đưa ra định hướng cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng bảo đảm lợi ích chung cho toàn dân hướng đến sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững. Trong đó, đối với người nông dân thì đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng có tính quyết định đến đời sống và toàn bộ hoạt động sống của họ. Do đó, khi sửa đổi luật đất đai cần chú trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người nông dân, nhất là diện bị thu hồi đất trên 70% để bảo đảm sinh kế cho nhóm đối tượng này.

Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều học giả cũng như chính quyền các cấp đều lo lắng cho bài toán “người nông dân mất đất” (nhóm nông dân phải hoàn trả quyền sử dụng đất cho Nhà nước để phục vụ cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia cũng như phát triển kinh tế-xã hội) do tiến trình đô thị hóa quá nhanh, thiếu tầm kiểm soát của nhiều địa phương trong cả nước. Các tỉnh và thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai,… tỉ lệ người nông dân mất đất ngày càng cao và chính quyền các địa phương này cũng tỏ ra “khá lúng túng” trong giải quyết chế độ, tạo việc làm và những vấn đề xã hội phát sinh khi tư liệu sản xuất chủ yếu của người nông dân dần bị mất đi, mà một trong những nguyên nhân của nó là Luật chưa cụ thể hóa đến lợi ích của nhóm đối tượng này. Cần phải nhìn nhận thẳn thắng rằng, khi người nông dân mất đất không những mang lại sự khó khăn (thu nhập, việc làm, sinh kế…) cho bản thân và gia đình mà còn gây nên những hệ lụy về mặt xã hội khác như: di cư vào thành phố lớn tìm việc gây nên những áp lực xã hội lên các đô thị, các tệ nạn xã hội phát sinh,…

Phát triển công nghiệp và đô thị hóa là xu thế tất yếu và chính nó đã góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa đất nước, nhưng nếu không kiểm soát và đô thị hóa ồ ạt sẽ đẩy một số lượng lớn người nông dân vào bần cùng hóa vì mất đất. Đó là vấn đề cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, khoa học và có những giải pháp mang tính khả thi tránh những hệ lụy đáng tiếc trong phát triển, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang chủ trương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới như hiện nay.

Người nông dân giao đất lại cho Nhà nước để phục vụ cho các mục đích quốc phòng, an ninh, mục đích công cộng cũng như phát triển kinh tế xã hội là việc làm cần thiết và tất yếu. Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ, trước trong và sau khi bị thu hồi (đặc biệt là thu hồi trên 70% diện tích đất), họ đã có nguy cơ rơi vào nhóm dễ bị tổn thương và có nguy cơ rơi vào nghèo đói. Lúc này, luật cần phải bảo đảm lợi ích và phải phản ánh được sự hài hòa, thống nhất về lợi ích giữa cá nhân, tập thể và Nhà nước. Trong đó, nhất thiết phải có điều khoản quy định đặc biệt cho nhóm nông dân bị thu hồi trên 70% diện tích đất sản xuất.

Theo nghiên cứu, hiện nay những người nông dân mất đất phải đối mặt với hàng loạt vấn đề. Đó là, ngoài vấn đề mất đất – mất đi nguồn thu nhập từ ruộng đất, thì họ còn phải đối mặt với một loạt các vấn đề kéo theo: khi tiến hành thu hồi đất và giải tỏa tái định cư, hàng loạt những phong tục tập quán, lối sống của người nông dân cũng bị xáo trộn, nói cách khác khi người nông dân bị “thu hồi đất” thì vô hình trung cũng bị “thu hồi” một số nét văn hóa, phong tục tập quán đã gắn với phương thức sản xuất lâu đời của họ; sự chuyển đổi phương thức sản xuất cũng là một khó khăn lớn bởi người nông dân thiếu những kĩ năng nghề nghiệp khác ngoài nông nghiệp; nhiều sự việc khiếu kiện, khiếu nại tập thể, vượt cấp và mang tính chất phức tạp do thu hồi đất, chính những sự vụ này cũng mang trong nó những bất ổn và sự xáo trộn xã hội nhất định;…

Vì vậy, sửa đổi luật đất đai lần này cần phải nghiêm túc, thận trọng xem xét toàn diện, đồng bộ những vấn đề đặt ra và phải tập trung vào những giải pháp cơ bản như: (1) Luật và các văn bản dưới luật cần phải qui định rõ ràng vai trò, lợi ích giữa các chủ thể lợi ích liên quan đến đất đai khi thu hồi trong đó có quyền lợi của Nhà nước, của nhà đầu tư và của người dân. Đặc biệt, đối với nhóm nông dân bị mất đất thì cần phải có những giải pháp xác thực, lâu dài, căn cơ về quyền lợi của họ khi bị thu hồi đất (nhất là đối với đối tượng thu hồi trên 70% diện tích hoặc toàn bộ đất), cần cung cấp cho họ những đảm bảo xã hội cơ bản để tránh những rủi ro gặp phải khi phải giao phần lớn hay toàn bộ đất sản xuất. Ngoài ra,cần quy định rõ về giải quyết vấn đề việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bảo hiểm y tế,…(2) Trong vấn đề đền bù, giải tỏa, tái định cư cần phải chú trọng đời sống của người bị thu hồi đất sau tái định cư và bảo đảm nguyên tắc “tái định cư trước, giải tỏa sau”, bảo đảm những quyền lợi chính đáng của người nông dân không bị xâm phạm, hoàn thiện cơ chế bồi thường khi thu hồi đất; (3) Sẽ xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt ruộng đất, chiếm dụng tiền đền bù hay các khoản hỗ trợ khác theo luật định. ..

Lâu nay, những kẻ chống phá Nhà nước thường triệt để lợi dụng các vụ việc dân chúng khiếu kiện về đất đai, những thiếu sót, hạn chế của chính quyền cơ sở khi giải phóng mặt bằng, đền bù đối với đất nông nghiệp của nông dân…từ đó vu cáo, bôi nhọ chế độ “cướp” đất của dân, không quan tâm quyền lợi người nông dân, người lao động. Thậm chí không ít vụ việc, họ bơm tiền cho những kẻ khiếu kiện chây ì,  hỗ trợ tài chính hình thành nhóm “dân oan” nhằm đẩy vấn đề này thành tập hợp lực lượng chống chế độ.

Vấn đề đất đai luôn là vấn đề nóng, nhạy cảm bất cứ đất nước, chế độ, xã hội nào. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng, hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc thu hồi đất phục vụ phát triển đô thị, khu công nghiệp…phục vụ phát triển kinh tế là tất yếu, do đó không tránh khỏi ảnh hưởng lợi ích người nông dân bị thu hồi đất. Mong rằng Luật đất đai sửa đổi tới đây góp phần đưa chính sách, chủ trương chính đáng của Đảng vào cuộc sống, đảm bảo lợi ích người nông dân mất đất.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *