Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
7391

Phủ sóng nước sạch ở vùng nông thôn Việt Nam

Ngày Nước Thế giới (World Water Day) được tổ chức vào ngày 22/3 hằng năm do Liên Hợp Quốc thành lập. Mỗi năm, Liên Hiệp Quốc sẽ chọn chủ đề cho ngày Nước thế giới nhằm phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. Ở Việt Nam, nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ hết sức quan tâm.

Tại Việt Nam, 90% nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế ở các khu vực đô thị, nông thôn vùng đồng bằng đã và đang được đầu tư. Tuy nhiên, còn gần một nửa dân số ở các tỉnh miền núi vẫn chưa được sử dụng nước sạch, bởi hành trình đưa nước sạch về vùng cao còn khá gian nan.
Ðể nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân vùng nông thôn, giải quyết triệt để những bệnh lý thông thường do sử dụng nguồn nước chưa đạt chuẩn, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 318/QÐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỉ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn.

Xây dựng nông thôn mới, người dân nhiều vùng khó khăn về nguồn nước đã được cung cấp nước sạch.

Theo đó, các xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) ở Bắc Trung bộ phải có từ 15% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện đạt chuẩn NTM. Tương tự, các xã không thuộc khu vực III phải có từ 20% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện thẩm định đạt chuẩn NTM.

Trước đó, ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 925/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tập trung rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước; Hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước (vùng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, vùng sâu, vùng xa, miền núi, bãi ngang ven biển, biên giới, hải đảo); Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có (trong đó tập trung nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu; Xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước…

Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao nhờ nước sạch.

Trong bối cảnh đó, Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức triển khai với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế. Mục tiêu của Chiến lược là giảm thiểu tác động của nguồn nước và vệ sinh không an toàn trong cộng đồng dân cư nông thôn.

Chiến lược cũng đã đặt ra các mục tiêu mới, đến năm 2045: 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% khu dân cư nông thôn có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt; 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% số hộ, trang trại chăn nuôi được xử lý chất thải chăn nuôi.

Hiến pháp 2013 cũng quy định tại Điều 53, tài nguyên nước là tài nguyên quan trọng thiết yếu, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước cần phải được sử dụng, quản lý một cách bền vững, chia sẻ công bằng và cùng có lợi, phù hợp với luật pháp Việt Nam và cam kết quốc tế. Vì vậy việc thực hiện đấu giá quyền khai thác tài nguyên nước là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật về đấu giá ở Việt Nam.

 

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *