Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
75454

Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) – những bước phát triển gần đây

Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) là cơ chế liên chính ph, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008, cùng với sự ra đời của Hội đồng nhân quyền, có nhiệm vụ rà soát tổng thể về tình hình nhân quyền tại tt c các nước thành viên Liên hợp quốc định kỳ 4.5 năm/ lần.

Mục tiêu của UPR là cải thiện và thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết và tăng cường năng lực thực thi về quyền con người. Nguyên tắc hoạt động của Cơ chế UPR là đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và không chính trị hóa.

Một phiên báo cáo của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có uy tín ngày càng tăng trong các cơ chế quốc tế về quyền con người. UPR tuy không phải là một công cụ pháp lý nhưng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thực thi các công ước quốc tế về quyền con người cũng như tiến trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền con người ở các quốc gia

Phiên đối thoại UPR là hoạt động trung tâm của một chu kỳ rà soát, ở đó, quốc gia rà soát trình bày báo cáo quốc gia và tương tác với các quốc gia khác.Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều có quyền phát biểu và nêu các khuyến nghị. Sau phiên đối thoại, quốc gia được rà soát sẽ cân nhắc quyết định chấp thuận hoặc ghi nhận[i] các khuyến nghị và có trách nhiệm thực hiện các khuyến nghị đã được chấp thuận, báo cáo Hội đồng nhân quyền việc thực hiện tại chu kỳ tiếp theo. Có thể nói, các khuyến nghị chính là nội dung quan trọng hàng đầu của cơ chế UPR. Việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận tuy không phải là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, nhưng thể hiện cam kết, nỗ lực của mỗi quốc gia trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thực hiện nghĩa vụ thành viên Liên hợp quốc.

Cơ chế UPR đang được xem là cơ chế nhân quyền hiệu quả hàng đầu, nếu xét về tiến độ thực hiện, cam kết thực thi của các quốc gia cũng như khả năng đánh giá, theo dõi của các quốc gia khác. Các khuyến nghị, với việc đánh số, nhóm ghép theo lĩnh vực, nội dung, tạo nên một công cụ quan trọng giúp cộng đồng quốc tế đánh giá đầy đủ hơn về kết quả bảo đảm quyền con người ở quốc gia được rà soát. Hơn thế, do tính chất liên chính phủ và do các khuyến nghị được chính quốc gia liên quan tự nguyện xem xét chấp thuận (hoặc không chấp thuận), nên theo đánh giá chung, các quốc gia có xu hướng quan tâm đến việc thực hiện các khuyến nghị UPR nhiều hơn so với các khuyến nghị đến từ các cơ chế khác, như từ các chuyên gia độc lập, các báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng nhân quyền, hay kể cả các chuyên gia trong ủy ban các công ước về quyền con người. Qua khảo sát khác nhau của giới học giả, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, tỉ lệ thực hiện có kết quả các khuyến nghị UPR vào khoảng 53% – 72% (chủ yếu khảo sát đối chiếu với báo cáo quốc gia và các khuyến nghị). Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thực hiện các khuyến nghị do các chuyên gia Hội đồng nhân quyền, các ủy ban công ước về quyền con người đưa ra cho các quốc gia.

Nếu các quốc gia thường xuyên trễ thời hạn nộp báo cáo quốc gia theo các công ước về quyền con người, thì điều này hiếm xảy ra với UPR. Trong chu kỳ I, chỉ một vài quốc gia chưa hoặc hoãn tham gia UPR, nhưng từ chu kỳ II đến nay, 100% quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều tham gia và nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của cơ chế UPR. Ngay cả Hoa Kỳ, dưới thời của Tổng thống Trump, tuy rút khỏi Hội đồng Nhân quyền, song vẫn tham gia tích cực vào cơ chế UPR. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều nước tiến hành kiểm điểm giữa kỳ (không bắt buộc), xây dựng Kế hoạch hành động triển khai các khuyến nghị đã chấp thuận. Cũng có nhiều dự án hợp tác được triển khai giữa các quốc gia, hoặc trong khuôn khổ các tổ chức khu vực, liên khu vực liên quan đến thúc đẩy cơ chế UPR và triển khai các khuyến nghị UPR.

Qua các chu kỳ, cơ chế UPR cũng có những bước cải tiến, cập nhật. Kể từ chu kỳ II, Hội đồng Nhân quyền đã có Nghị quyết 16/21 và Quyết định 17/119 (2011) nhằm tăng khả năng tham gia đối thoại của các quốc gia, định hướng các báo cáo quốc gia tập trung hơn vào tình hình thực hiện khuyến nghị đã chấp thuận và ưu tiên trong chu kỳ mới. Thời gian phát biểu cho các quốc gia được tăng lên thành 150 phút, không giới hạn số nước đăng ký, thời gian phát biểu của mỗi nước không quá 2 phút (trong khi chu kỳ I chỉ cho phép tối đa 60 nước tham gia đối thoại). Những thay đổi nhỏ về mặt thể thức đã tạo ra chuyển biến lớn về thực tiễn rà soát UPR. Trong chu kỳ I, có 21.355 khuyến nghị được nêu ra với các nước; trung bình mỗi nước rà soát nhận được 118 khuyến nghị. Trong chu kỳ II, chỉ có thêm 1 nước được rà soát nhưng có tới 36.331 khuyến nghị được nêu, trung bình mỗi nước được rà soát nhận được 188 khuyến nghị. Số lượng khuyến nghị đối với mỗi nước được rà soát trong chu kỳ III cho đến nay (mới tiến hành được 1/4 số nước) là 229 khuyến nghị. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng ngày càng tích cực tham gia UPR, thông qua việc gửi các báo cáo phản biện, trực tiếp tham dự và phát biểu tại phiên thông qua báo cáo.

Nội dung các khuyến nghị ngày càng đa dạng, thể hiện nhiều ưu tiên khác nhau qua các thời kỳ. Ví dụ, “chống tra tấn” nằm trong số 5 vấn đề được nêu nhiều khuyến nghị nhất trong chu kỳ I và II nhưng hiện không nằm trong nhóm này của chu kỳ III (hiện chưa kết thúc). Ngược lại “chống phân biệt chủng tộc” đang nằm trong nhóm 5 vấn đề được quan tâm nhất kể từ chu kỳ III[ii], cùng thời điểm với sự nổi lên của xu hướng dân tộc, dân túy, gia tăng phân biệt đối xử, bài ngoại, chống di cư – nhập cư… Đáng chú ý, xuyên suốt cả 3 chu kỳ, số lượng các khuyến nghị về lĩnh vực tư pháp và tham gia điều ước quốc tế về quyền con người luôn nằm trong nhóm được quan tâm nhất.

Trâm Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *