Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
58612

THÚC ĐẨY TỰ CHỦ ĐẠI HỌC:BẮT NHỊP XU THẾ MỚI

 

  Tự chủ đại học đã trở thành xu thế tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDDH) trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập và cạnh tranh bình đẳng. Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên cho cơ chế tự chủ đại học từ hơn 10 năm trước (2008) và đến nay, đã sang giai đoạn thứ hai sau thí điểm thực hiện quyền tự chủ ở một số cơ sở GDĐH. Trong giai đoạn mới, tự chủ ĐH phải được đẩy mạnh trên diện rộng – với sự tham gia của nhiều cơ sở GDĐH, cũng như phát triển theo chiều sâu – nâng mức độ tự chủ ở một số cơ sở có thế mạnh. Thúc đẩy tự chủ ĐH cần phải giải quyết các bài toán về quy hoạch hệ thống mạng lưới đến quy hoạch bộ máy, đội ngũ và hệ thống nhóm ngành, ngành đào tạo trước những xu thế biến đổi mới đang diễn ra, đáp ứng đào tạo nhân lực phù hợp nhu cầu thị trường.

         Nhìn lại quá trình tự chủ đại học

Trên cơ sở Đề án xin tự chủ của các cơ sở GDĐH, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho phép 27 cơ sở GDĐH được thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ. Hiện nay, tất cả các trường ĐH trong hệ thống đều được tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của cơ sở GDĐH theo quy định; tự chủ cho phép nhà trường quyết định phát triển chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, hình thức đào tạo; phương pháp kiểm tra, đánh giá; công tác tổ chức đào tạo bảo đảm chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam; được quyền in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định; được quyết định mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ thuộc cơ sở GDĐH; xác định các hướng nghiên cứu và thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện tự chủ các cơ sở GDĐH bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, các thủ tục hành chính được giảm bớt, các trường đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường, từng bước chủ động đổi mới cơ chế để hoạt động ngày càng hiệu quả. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở GDĐH đã có những thành tựu nhất định và được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, tự chủ GDĐH của nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập vì tính chất thí điểm cũng như sự thiếu nhất quán, đồng bộ trong các chủ trương chính sách của Nhà nước. Đó là tư duy quy hoạch bộ máy tổ chức của các cơ sở GDĐH, tư duy quy hoạch ngành/nhóm ngành đào tạo ĐH, tư duy quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH.

          Theo số liệu của Bộ GD&ĐT năm 2018, Việt Nam có 236 ĐH, học viện, trường ĐH, bao gồm 170 trường công lập, 61 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ và 33 trường cao đẳng sư phạm và 02 trường trung cấp sư phạm. Trong số các cơ sở giáo dục ĐH, 26 trường được xếp vào nhóm các trường trọng điểm (chiếm 11% tổng số các trường), trong đó 22 trường do Thủ tướng Chính phủ xác nhận, 03 trường do Bộ chủ quản xác nhận. Theo tinh thần Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về “Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các ĐH công lập giai đoạn 2014-2017”, khởi điểm chỉ có 5 trường ĐH được cho thực hiện thí điểm tự chủ gồm có ĐH Bách Khoa, ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Sau thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77, 3 trường ĐH lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện tự chủ ở mức độ cao là ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể thấy, tự chủ ĐH diễn ra không cùng lúc do phân hoá rất lớn giữa các nhóm trường tự chủ – không tự chủ và trong nội tại nhóm trường tự chủ.

Một chuyển biến rõ nét là việc số lượng các trường ĐH có tên trong bảng xếp hạng của một số tổ chức quốc tế đối với cơ sở GDĐH Việt Nam được nâng lên. Trước năm 2016, chỉ có 02 trường lọt vào top đầu của các trường ĐH ở châu Á là ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Năm học 2017-2018, đã có 10 trường của Việt Nam đứng trong các bảng xếp hạng quốc tế. Hệ thống URAD – một hệ thống xếp hạng nổi tiếng đã nêu 6 trường của Việt Nam, trong đó có ĐH Bách Khoa và ĐH Tôn Đức Thắng là những cơ sở giáo dục công lập tự chủ đa ngành. Tuy nhiên đến nay, trong số gần 500 các cơ sở GDĐH và cao đẳng của Việt Nam với hàng ngàn ngành đào tạo, chỉ có 8 ngành đào tạo ở 4 trường đạt chuẩn kiểm định ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology – một tổ chức kiểm định chương trình đào tạo được thành lập từ năm 1932 bởi các hiệp hội ngành nghề của Mỹ và là tổ chức kiểm định có uy tín trong cộng đồng quốc tế). Con số này quá khiêm tốn so với số lượng khối ngành công nghệ, kỹ thuật hiện nay ở các trường.

Xu hướng phát triển nhiều ngành đào tạo mới

Một hạn chế cho tới thời điểm hiện tại là mạng lưới các cơ sở GDĐH chưa có sự phân loại theo chất lượng để có chính sách ưu tiên đầu tư đối với các lĩnh vực cần được ưu tiên phát triển; một số cơ sở GDĐH có quy mô nhỏ, đầu tư ít nên chất lượng thấp và khó phát triển; một số cơ sở GDĐH thiếu mặt bằng xây dựng, khó khăn trong việc mở rộng trường tại các khu đô thị, phải thuê nhiều cơ sở hoặc cơ sở GDĐH bị phân chia nhỏ lẻ thành nhiều địa điểm, không bảo đảm cảnh quan môi trường sư phạm…

Chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không có đề tài nghiên cứu, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế… Số lượng giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập hiện là 15.158 người (chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên trong toàn quốc) song vẫn thiếu so với nhu cầu, đội ngũ này thường ở độ tuổi cao, chưa đủ mạnh để tiếp tục nâng cao vị thể và tạo niềm tin về chất lượng đào tạo trong hệ thống.

Tuy các cơ sở GDĐH được tự chủ, đặc biệt là tự chủ xây dựng, ban hành chương trình đào tạo nhưng chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH hiện còn lạc hậu. Chương trình đào tạo giống nhau cho dù theo định hướng hàn lâm nghiên cứu hay định hướng thực hành. Việc triển khai đào tạo chất lượng cao ở trình độ ĐH không đồng đều, chủ yếu tập trung ở những cơ sở GDĐH lớn trong khi các cơ sở GDĐH do địa phương quản lý còn chậm được triển khai. Thực trạng về quy mô đào tạo và chất lượng đào tạo đang có những tác động qua lại tiêu cực lẫn nhau.

Cơ cấu ngành nghề đào tạo vẫn còn bất hợp lý, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiện tại, đào tạo ĐH của Việt Nam có 3.306 ngành, được kết cấu phân chia thành 9 nhóm ngành và 7 khối ngành. Phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành thuộc Khối ngành V, III: Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến; Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thuỷ sản; Thú y và Khối ngành: kinh doanh quản lý, pháp luật.

         Hướng đi mới theo đòi hỏi, nhu cầu mới

Có thể thấy rằng hệ thống GDĐH của Việt Nam sẽ cần thực hiện quy hoạch lại ngành đào tạo trên cơ sở bám sát xu hướng phát triển của thế giới, xây dựng chương trình chuẩn, nghiên cứu rõ xu hướng phát triển nhiều ngành đào tạo mới, quy hoạch lại các ngành trên nền tảng công nghệ thông tin; khuyến khích các trường, ngành đi theo hướng công nghệ, đặc biệt là những cơ sở GDĐH, ngành đầu tư khoa học, kinh tế, kế toán, điện tử viễn thông, chế tạo máy,… Do đó, một số ngành mới sẽ ra đời và một số ngành cũ sẽ phải tự đóng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu sử dụng, tuyển dụng thị trường lao động, giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động.

Hàng loạt ngành, nghề cũ sẽ mất đi và thay thế vào đó là những ngành, nghề mới; thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao; lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các thị trường mới. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kiến thức, kỹ năng bậc ĐH, cao đẳng cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới – kỹ năng sáng tạo tương ứng với nền kinh tế 4.0. Việc quy hoạch lại hệ thống ngành, nhóm ngành và lĩnh vực đào tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện tự chủ, chủ động mở các ngành mới, tái cấu trúc lại các ngành cũ.

Đại học quốc gia Hà Nội – đại học top đầu Việt Nam

Đối với quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, cao đẳng giai đoạn 2021-2030, cần đảm bảo: tính hợp lý về đầu mối và quy mô của cơ sở đào tạo để tăng hiệu quả của các nguồn đầu tư, hiệu quả sử dụng cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu và cơ sở vật chất; thuận lợi cho việc tổ chức và triển khai quy trình đào tạo mới trong các cơ sở GDĐH để quy trình này thể hiện tối đa những ưu việt của nó; mạng lưới và hệ thống pháp quy kèm theo sẽ tạo được mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ sở đào tạo với nhau nhằm phá vỡ thế khép kín ở từng trường, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để sử dụng chung có hiệu suất cao đội ngũ cán bộ giảng dạy giỏi và thiết bị tốt. Mạng lưới mới cũng sẽ giúp để thực hiện tốt việc quản lý hệ thống (vừa đảm bảo hiệu lực của quản lý nhà nước vừa phát huy được tính năng động của cơ sở).

          Đối với quy hoạch các ngành đào tạo trong giai đoạn tiếp theo, cần phát triển các ngành/chuyên ngành đào tạo dựa trên nhu cầu của thị trường. Trong tương lai, có những ngành mới phát triển song nhiều ngành cũ có thể mất đi dựa theo nhu cầu sử dụng và tuyển dụng của thị trường lao động, theo trình độ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng miền và quốc gia; cần xem xét điều chỉnh Khung hệ thống giáo dục quốc dân. Cơ sở thực tiễn và khoa học cho thấy, do sự phát triển của khoa học và công nghệ, xuất hiện những nhu cầu nhận thức mới, đòi hỏi kiến thức đa ngành, xuyên ngành, liên ngành…Vì vậy, cần quan tâm phát triển chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành. Triển khai thực hiện hiệu quả Khung trình độ quốc gia; xây dựng các yêu cầu về chuẩn chất lượng đào tạo của ngành và nhóm ngành đào tạo.

Đối với quy hoạch bộ máy và đội ngũ của cơ sở GDĐH công lập tự chủ, cần xây dựng mô hình ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, liên ngành, liên thông; Mô hình bộ máy 3 hoặc 4 cấp với các đơn vị chuyên môn và nhóm nghiên cứu liên ngành; tinh giản bộ máy quản lý và phục vụ (sắp xếp hợp lý, áp dụng công nghệ thông tin…); tái cấu trúc các đơn vị chuyên môn phù hợp theo sự biến đổi của mô hình đào tạo, ngành/nhóm ngành đào tạo; xây dựng Quy hoạch và Chiến lược đội ngũ nhân lực tương thích với các mục tiêu phát triển về chuyên môn (ngành, liên ngành, trình độ), phù hợp với bộ máy (chức năng quản lý, đào tạo, nghiên cứu).■

PGS.TS. LƯU BÍCH NGỌC*

Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đến hết năm 2018, 27/236 trường đã thc hin t ch, chiếm 11% tng s các cơ s GDĐH. Sau thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77, 3 trường ĐH lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện tự chủ ở mức độ cao là: Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

 Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng cuộc CMCN 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kiến thức, kỹ năng bậc ĐH, CĐ cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu họ không được trang bị những kỹ năng mới – kỹ năng sáng tạo tương ứng với nền kinh tế 4.0.

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *