Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
29024

Chính sách đối với người có công luôn được quan tâm nhất quán, thường xuyên

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Ngày 21/7, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi 

Nghị định nêu rõ mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng.Nghị định số 55/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên thương binh, bệnh binh Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng.

Cụ thể, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh loại B được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP. Trường hợp mức trợ cấp một lần tính theo thâm niên thì sau khi đã tính tròn số năm tham gia kháng chiến mà còn có tháng lẻ thì số tháng lẻ được tính tròn số theo nguyên tắc: từ đủ 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính là 01 năm, dưới 06 tháng được tính là 06 tháng. Trường hợp không xác định được ngày, tháng bắt đầu hoạt động kháng chiến thì được tính từ ngày 01 tháng 7 của năm đó. 

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2023. Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP được thực hiện kể từ ngày 1/7/2023.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định hiện hành, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng được thực hiện từ ngày 1/7/2019 theo quy định tại Nghị định số 58/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Căn cứ Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 1/7/2023, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.

Theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Nhiều chính sách ưu đãi khác

Thực tế, 75 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16/02/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, với ba đối tượng và hai chính sách đầu tiên, đến nay hệ thống chính sách ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện, đối tượng ưu đãi được mở rộng lên 12 đối tượng, cơ bản đã bao phủ được hết các đối tượng người có công với cách mạng.

Các bác sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh khám cho người nghèo, người có công với cách mạng tại xã Do Nhân, Tân Lạc, Hoà Bình.

Ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay gọi là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng). Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã trải qua 07 lần sửa đổi vào các năm: 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và 2020. Đây là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý để các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Gần đây nhất, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 được thông qua ngày 09/12/2020, gồm 07 chương và 58 điều; trong đó, bổ sung 02 chương mới: “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ” và “Nguồn lực thực hiện”; bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều trên cơ sở kế thừa các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn thời gian trước. Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và bổ sung đối tượng người có công và thân nhân như: người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Pháp lệnh cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn. Chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng, cụ thể hơn. Quy định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; chế độ trợ cấp mai táng; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hàng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá và quy định mức trợ cấp hàng tháng với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.

Cùng với bảo đảm chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được ban hành và thực hiện, như: chính sách ưu đãi về nhà ở; chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với con của người có công; chăm sóc sức khoẻ; ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công,… tạo điều kiện cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hệ thống cơ sở sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công bao gồm: các cơ sở nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên, các trung tâm chỉnh hình đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Các cấp, ngành, địa phương tích cực giải quyết những phát sinh và tồn đọng, như: xác nhận, công nhận người hưởng chính sách ưu đãi, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN.

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *