Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
47017

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu – Mang lại lợi ích cân bằng cho mỗi bên

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu – Mang lại lợi ích cân bằng cho mỗi bên

Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng và đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Trong đó, quy định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động theo từng năm.Vấn đề đặt ra là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần thực hiện như thế nào để không tác động tiêu cực đến xã hội?

Quy luật tất yếu, mang lại lợi ích cho nhiều phía. 

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một vấn đề vĩ mô của nền kinh tế, cần được tính toán và thực hiện trên cơ sở điều tiết các chính sách chung về lao động – việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), bình đẳng giới, nguồn nhân lực, đào tạo, đào tạo lại,… và nhiều chính sách xã hội khác, do vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng, không thể dựa theo ý muốn chủ quan của một vài nhóm cá thể.

Điều 169, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam, đủ 60 tuổi đối với lao động nữ. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… có thể nghỉ hưu sớm 5 năm. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu - Mang lại lợi ích cân bằng cho mỗi bên
Từ năm 2021, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu với lao động nam và lao động nữ bắt đầu được áp dụng theo Bộ luật Lao động sửa đổi.

Theo lộ trình này, đến năm 2028 Việt Nam mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và năm 2035 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu đủ 60 tuổi.

Cũng từ kinh nghiệm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của các quốc gia cho thấy, thời điểm tốt nhất thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi thị trường lao động đang còn thặng dư lao động (số người trong độ tuổi lao động chiếm đa số tổng dân số); kinh tế đang trên đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng tốt; cơ cấu dân số càng trẻ thì lộ trình điều chỉnh càng dài. Vào thời điểm này của Việt Nam đang bước dần từ giai đoạn dân số vàng sang dân số già, việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã là hơi chậm và cần có những quyết định sớm.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là quyết sách có tính chiến lược về nhân lực, có tầm nhìn dài hạn, không phải là chính sách ngắn hạn.

Kinh nghiệm của các quốc gia đang điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và khuyến nghị của ILO đối với các nước điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải điều chỉnh dần dần để tránh gây sốc cho thị trường lao động. Lộ trình thường thấy ở các nước là 1 năm tăng 3 tháng hoặc một số nước quy định 1 năm tăng 6 tháng, một số nước tăng theo lộ trình thận trọng hơn như 1 năm tăng 1 tháng hoặc 1 năm tăng 2 tháng.

Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số. Số người phụ thuộc tăng lên (44,4% năm 2019). Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của một số nước trên thế giới (72 tuổi).

Hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động còn đang dồi dào nên lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chậm sẽ chỉ làm dòng chảy của thị trường lao động chậm lại đôi chút chứ không tắc nghẽn như phương án điều chỉnh nhanh.

Tác động đến tâm lý người lao động và doanh nghiệp

Nâng tuổi nghỉ hưu nhanh cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng đối với một bộ phận lớn người lao động, và cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Do đó, phương án điều chỉnh dần dần tuổi nghỉ hưu sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng dần với quy định mới, không gây sốc cho cả doanh nghiệp và người lao động, góp phần ổn định chính trị – xã hội.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là công việc khó khăn, phức tạp do đây là vấn đề tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội và nhân khẩu học. Để đảm bảo thành công trong việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần quyết tâm chính trị rất cao, sự đồng lòng, quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và của cả hệ thống chính trị.

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế phổ biến được thực hiện ở nhiều nước từ những năm 2010 đến nay nhằm ứng phó với quá trình già hóa dân số.

Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn (50 năm hoặc dài hơn), bảo đảm sự ổn định của quốc gia, nhưng phải được thực hiện sớm theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động. Nhật Bản là ví dụ điển hình của việc trì hoãn tăng tuổi nghỉ hưu, khi dân số già, bên cạnh việc nới lỏng chính sách nhập cư, Nhật Bản đang phải xem xét tăng tuổi nghỉ hưu với số tuổi tăng cao và hết sức đột ngột, từ 65 lên 74 tuổi.

Một kinh nghiệm nữa trong việc triển khai chính sách, pháp luật nói chung và một chính sách có nhiều tác động đến nhiều phía như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu nói riêng, đó là cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự hiểu biết và đồng thuận xã hội, hạn chế thấp nhất những hệ lụy xấu xảy ra.

Trên thực tế, hầu hết các nước khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều không nhận được sự ủng hộ của người dân do mong muốn sớm được hưởng hưu trí trong khi vẫn có thể tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập bên cạnh lương hưu nếu vẫn đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, vì lợi ích tổng thể và lâu dài của quốc gia, các nước vẫn phải đưa ra quyết định. Ví dụ mới đây, tháng 07/2018, mặc dù hơn 90% người dân Nga phản đối tăng tuổi nghỉ hưu nhưng ngày 21/07/2018 với số phiếu ủng hộ áp đảo, dự luật tăng tuổi nghỉ hưu đã được Duma Quốc gia Nga thông qua.

Thực hiện đồng bộ với các chính sách khác

Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về thị trường lao động và an sinh xã hội một cách tổng thể, bao gồm cả việc sử dụng một phần quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ một phần tiền lương hoặc hỗ trợ đóng BHXH để giảm áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục sử dụng, tránh sa thải lao động sau 35-40 tuổi; sử dụng một phần quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để chủ động phòng ngừa, cải thiện điều kiện làm việc giúp kéo dài tuổi nghề của người lao động.

Với dự báo của Chính phủ thì đến năm 2040 Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, tuy nhiên lại không có ước tính thời điểm đó thì có bao nhiêu lao động thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động (lao động có quan hệ lao động), trong khi thực tế hiện nay do khả năng hấp thụ lao động có quan hệ lao động của nền kinh tế còn thấp mới chỉ đạt khoảng 45,14% và tình trang thất nghiệp vẫn còn cao thì việc xem xét, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần phải cân nhắc kỹ về thời điểm bắt đầu. Do vậy, khi xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động lần này phải tính đến thực tế liệu ta có thực sự thiếu hụt lao động cho khu vực có quan hệ lao động hay không?

Các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ tính ưu việt của việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lâu dài. Người sử dụng lao động cần chia sẻ trách nhiệm đối với xã hội, không sa thải lao động trong độ tuổi, khi họ còn khả năng làm việc. Đặc biệt, mỗi người dân cần tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, chủ động chăm sóc sức khỏe để có thể làm việc lâu dài.. ■

Về sức khỏe, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng, hiện đạt 72,1 tuổi đối với nam, đạt 81,3 tuổi đối với nữ, nhưng tuổi nghỉ hưu bình quân mới đạt 54,2 tuổi (nam 55,6 tuổi, nữ 52,6 tuổi), thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Ở góc độ này, đa số lao động nước ta đủ khả năng làm việc đến độ tuổi 62 đối với nam, 60 đối với nữ.

Nhân quyền Việt Nam

Tác giả: Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hộ

 

 

 

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *