Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15141

Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời COVID-19 tăm tối

           Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Stefanie Stallmeister đã khẳng định như vậy và cho rằng Việt Nam nên tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới bù đắp cho những động lực truyền thống như cầu từ bên ngoài và tiêu dùng nội địa đang yếu đi.

Chiều 30-7, WB đã công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với chủ đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19”. WB cho rằng thiệt hại y tế ở Việt Nam đến nay vẫn nhỏ, nhưng thiệt hại về kinh tế lại lớn. Tăng trưởng giảm từ gần 7% năm ngoái xuống còn 0,36% quý II. Đây là cú sốc kinh tế lớn nhất với Việt Nam trong 35 năm qua. Lạm phát năm nay dự kiến khoảng 3,9%, gần gấp đôi năm ngoái. Cán cân vãng lai năm 2020 vẫn dương. Bội chi ngân sách tạm thời xấu đi và nợ công trên GDP tăng lên 56,1%. Dù vậy, WB cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát, các thiệt hại này có thể dần khôi phục lại được. Rủi ro lớn nhất hiện tại của Việt Nam là rơi vào bẫy kinh tế của COVID-19.

WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay 2,8%, xếp thứ 5 trên thế giới và sẽ đạt mức tăng trưởng 6,8% vào 2021. Dự báo mới thấp hơn 2,1 điểm phần trăm so với triển vọng được đưa ra gần nhất của cơ quan này. Đại diện WB cho rằng dịch COVID-19 không chỉ là cú sốc về y tế, mà còn là cú sốc về kinh tế. Ngoại trừ Đông Á, tất cả các khu vực khác đều tăng trưởng âm. Vì vậy mức tăng trưởng GDP của Việt Nam 2,8% đã là rất tích cực.

Đại diện WB cho rằng dịch COVID-19 tác động về mặt y tế nhỏ hơn rất nhiều so với những thiệt hại về kinh tế

“Đến đầu năm 2020, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn là tiêu dùng trong nước và sức cầu nước ngoài. Hai động lực này khó phục hồi sớm do nhiều nước trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch và hầu hết người Việt Nam vẫn ngại rủi ro, muốn tiết kiệm”, kinh tế trưởng WB Việt Nam Jacques Morisset giải thích.

Trong khi đó, bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam nhận định: “Để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng. Tuy nhiên, nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng COVID-19, Việt Nam có được cơ hội đặc biệt để tăng hiện diện của mình trên kinh tế toàn cầu và trở thành quốc gia đi đầu trong thế giới công nghệ số của ngày mai.”

VEPR cũng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 3,8% ở kịch bản tích cực và kịch bản xấu nhất là 2,2%. Tuy nhiên, kịch bản này chưa tính đến yếu tố dịch có thể quay trở lại.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế – xã hội 7 tháng năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài. Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-2020 vẫn giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước – mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20-7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 19 tỷ USD, bằng hơn 93% so với cùng kỳ năm ngoái. 1.620 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 9,46 tỷ USD. Vốn đầu tư tăng chủ yếu là do trong 7 tháng năm 2020 có dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Dự án lớn đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên 5,8 triệu USD trong năm 2020…

Việt Nam đang đứng đầu về khả năng

Từ những con số nói trên, các chuyên gia kinh tế của WB đưa ra khuyến nghị ba biện pháp bổ trợ nhau mà Chính phủ cần sớm thực hiện nhằm tránh bẫy kinh tế COVID-19 và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bao trùm trước đó. Thứ nhất là cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khách và đầu tư nước ngoài. Thứ hai là đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả biện pháp này cần đảm bảo nguồn lực được điều chuyển đến những dự án đem lại tác động tích cực lớn nhất cho cả nền kinh tế và việc làm, đồng thời giảm thiểu được tổn thất tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai. Ba là cần hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tận dụng được một số xu hướng toàn cầu, đang được đẩy nhanh bởi COVID-19, nhằm thúc đẩy nghị trình trong nước. Chẳng hạn, trong hệ thống thương mại toàn cầu mới, Việt Nam có thể củng cố dấu ấn hiện nay của mình bằng cách gây dựng liên minh chiến lược với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đang có kế hoạch đang dạng hóa chuỗi cung ứng. Tương tự, COVID-19 cũng đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế “không tiếp xúc” thông qua đẩy mạnh thanh toán công nghệ số, giáo dục trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa và qua đó giúp đáng ứng nhu cầu đang tăng nhanh về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu trong nước.

Sông Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *