Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
58971

 75 năm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập: Quyền con người thống nhất với quyền dân tộc

 

Quyền dân tộc tự quyết của dân tộc – quốc gia chỉ thuộc về nhân dân. Chính vì thế, Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong lịch sử, thông qua Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, đã gắn quyền dân tộc   – quốc gia tự quyết  với quyền con người (QCN) bằng việc kế thừa, phát triển tư tưởng quyền  “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc – quốc gia. 75 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là sau gần 35 năm đất nước đổi mới, mỗi người dân Việt Nam càng thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người

Quyền đương nhiên của mỗi quốc gia, mỗi con người

Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lại các bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào căn cứ đó, nhưng suy rộng ra quyền con người gắn chặt với quyền dân tộc, quyền tự quyết của dân tộc, quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chính vì sự tác động biện chứng đó nên Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng căn cứ pháp lý về quyền con người thành một giá trị mang tính thời đại.

Điều cần nhấn mạnh là trong pháp luật quốc tế, phải đến năm 1966,  Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế  về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) mới gắn QDTTQ với QCN. Hai công ước ICCPR và ICESCR  ở Khoản 1 Điều 1, đều xác đinh: “1. Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.” Trên cơ sở QDTTQ, Điều 2 của cả hai công ước này đều yêu cầu các quốc gia thành viên phải tôn trọng, bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong hai Công ước.

Tuyên ngôn Độc lập

Trong khi pháp luật quốc tế xác định bảo vệ, bảo đảm QCN trên cơ sở trước tiên coi trọng QDTTQ thì trong mấy thập niên gần đây, không ít Chính phủ phương Tây lại đưa ra quan niệm  về QCN có tính phổ quát (phổ biến) hết sức trừu tượng. Họ tuyệt đối hoá quyền của mỗi cá nhân, nhất là các quyền dân sự và chính trị. Từ đó họ nhấn mạnh  “quyền con người cao hơn chủ quyền quốc gia”, “quyền con người không có biên giới”, để phủ nhận quyền của các dân tộc có quyền tự quyết nhằm thực hiện “can thiệp nhân đạo” vào công việc nội bộ của các nước khác.

Không ai có thể phủ nhận một thực tế là QCN – một giá trị phổ quát, có tính toàn cầu, song cũng cần phải khẳng định QCN là một giá trị lịch sử, gắn với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử – cụ thể của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới. Quan niệm của không ít Chính phủ phương Tây thiên  về quyền cá nhân và quan niệm của phương Đông thiên về quyền cộng đồng (tập thể) là những quan niệm hết sức khác nhau và do vậy, không thể áp đặt cho nhau.

Mối quan hệ giữa Quyền Dân tộc Tự quyết và Quyền con người

Trước hết, mối quan hệ khăng khít giữa QDTTQ và QCN. QCN trước hết là quyền cá nhân, song nó cũng là quyền cộng đồng; và quyền cá nhân, quyền cộng đồng  đều được bảo đảm  một cách cụ thể trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở mỗi dân tộc – quốc gia. Do đó, việc bảo đảm QCN cơ bản phải phụ thuộc vào QDTTQ, vì QDTTQ là quyền cộng đồng bao trùm của các cá nhân sinh sống trong một dân tộc – quốc gia.

Thứ hai, yếu tố thời đại trong quan hệ  giữa QDTTQ và QCN. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, trong khi ranh giới các dân tộc – quốc gia trở nên mở nhạt, mong manh,  chỉ còn mang tính tương đối thì QCN được đề cao như một giá trị cốt lõi của thời đại. QDTTQ, ở một khía cạnh nào đó phải phụ thuộc vào QCN. Nhưng đồng thời cùng với các quá trình toàn cầu hóa, các dân tộc – quốc gia lớn nhỏ cũng đang “gồng lên” để khẳng định và bảo tồn những gì còn sót lại của bản sắc dân tộc. Do đó,QCN, ở một khía cạnh nào đó phải phụ thuộc vào QDTQG. Vì thế, mối quan hệ giữa QDTTQ và QCN đang ngày càng phức tạp. Do vậy, trong đấu tranh thực hiện QCN và QDTTQ cần phải tính tới những yếu tố có tính thời đại. Đây cũng là một vấn đề có tính nguyên tắc để hiện thực hóa tối đa QCN trong khi vẫn bảo đảm được QDTTQ trong thời đại hiện nay.

Thứ ba, yếu tố thể chế quyền công dân trong quan hệ  giữa QDTTQ và QCN. Các dân tộc – quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền và công việc nội bộ  của mỗi dân tộc – quốc gia là do quốc gia tự quyết định, không thể có dân tộc – quốc gia nào đó coi thể chế quyền công dân của mình  là khuôn mẫu quyền con người “có tính phổ quát” toàn nhân loại để áp đặt cho các dân tộc – quốc gia khác.

    Bảo đảm quyền dân tộc tự quyết và quyền con người ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, việc thực hiện QDTTQ gắn với QCN chủ yếu diễn ra dưới chính thể dân chủ – cộng hòa và cộng hòa xã hội chủ nghĩa từ năm 1945 trở lại đây. Các bản Hiến pháp, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, đều nhất quán dựa trên nguyên tắc bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân; trọng tâm trách nhiệm của chế độ chính trị ở Việt Nam là bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền công dân.

Học sinh tại TP Hồ Chí Minh trong lễ khai giảng năm học

Tuy vậy, để giải quyết bền vững và hiệu quả mối quan hệ giữa QDTTQ và QCN trước tác động của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cần nắm vững một số định hướng sau:

    Một là, trong bảo vệ, bảo đảm QDTTQ và QCN phải ưu tiên bảo đảm QDTTQ phù hợp với Khoản 1, Điều 1 của hai công ước quốc tế cơ bản về quyền con người năm 1966.

Hai là, phải kịp thời nhận rõ đồng thời giải quyết thiết thực, hiệu quả trong thực tiễn những vấn đề mới đang đặt ra trước QDTTQ và QCN, xuất phát từ thành tựu đã đạt được cũng như phát sinh từ sai lầm , thiếu sót trong thực tiễn.  Một mặt, hiện nay trước tác động của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không chủ động, tích cực hội nhập vào thể chế khu vực và thế giới  thì QDTTQ sẽ bị xâm phạm, trước tiên bởi công nghệ số.

Thí dụ: nếu Việt Nam không chủ động và mạnh dạn hội nhập vào công nghệ số, nhất là đi trước trong phát triển công nghệ và  thiết bị của mạng 5 G, thì rất khó, thậm chí không chủ động trong việc bảo vệ, bảo đảm an toàn, an ninh mạng nói riêng và QDTTQ cũng như QCN trong công nghiệp 4.0 và cách mạng số nói chung.  Mặt khác,  nêu không tích cực làm giảm phân cực giàu nghèo, đẩy mạnh chống tham nhũng và quan liêu  thì quyền của đa số người dân bị xâm hại. Để có những quyết sách như vậy, phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; trong đó cần nghiêm túc nhìn nhận những sai lầm, thiếu sót về lý luận và thực tiễn trong bảo vệ, bảo đảm QDTTQ và QCN.

Ba là, thực hiện QDTTQ và QCN tương thích với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam là đang đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và phù hợp với thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN.  Trong đó, phải coi trọng việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là  nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhằm xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội trong việc bảo vệ, bảo đảm QCN và QDTTQ; đồng thời xử lý công minh mọi hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân và xâm hại quyền lợi hợp pháp của dân tộc – quốc gia.

Bốn là, bảo vệ, thực hiện QDTTQ và QCN ở Việt Nam hiện nay phải song hành với chủ động, tích cực đối thoại, đấu tranh phòng – chống những quan điểm, hành động của tổ chức, hành vi của cá nhân trong việc xuyên tạc, kích động chống phá chế độ chính trị – xã hội vốn là hàm nghĩa cốt lõi của QDTTQ; đồng thời tăng cường tuyên truyền, cả trong nước và quốc tế về lập trường, quan điểm đúng đắn của Việt Nam trong bảo vệ, bảo đảm QDTTQ và QCN phù hợp với pháp luật quốc gia và quốc tế trong điều kiện hiện nay.

     Thanh Tuấn

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *