Trang Thông luận ngày 29/3/2024 có câu hỏi ngớ ngẩn “Có tự do tôn giáo ở Việt Nam không?” dựa vào nội dung thiếu khách quan trong báo cáo tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để xuyên tạc, tung hứng, phủ nhận “tự do tôn giáo” của Việt Nam.
Trước hết, nhiều lần phát ngôn Bộ Ngoại giao và báo chí Việt Nam đã chỉ ra rằng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dựa trên thông tin xuyên tạc, thiếu khách quan của một số tổ chức phản động lưu vong người gốc Việt và tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí với Việt Nam để quy kết, phán xét về nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam. Đây là điều đáng tiếc khi hai nước có quan hệ thúc đẩy toàn diện nhưng vẫn thiếu lòng tin, chỉ chọn lọc thông tin tiêu cực, sai trái, xuyên tạc về Việt Nam làm căn cứ hay bằng chứng đánh giá.
Thứ hai, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn tôn trọng, đảm bảo thực thi tín ngưỡng tự do phù hợp điều kiện cụ thể của đất nước. Thực tế, tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi rõ trong Điều 10 Hiến pháp năm 1946 “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”; trong Điều 26, Hiến pháp năm 1959 “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; trong Điều 68, Hiến pháp năm 1980; trong Điều 70, Hiến pháp năm 1992; và trong Điều 24, Hiến pháp năm 2013 cụ thể là: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. 2. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Nên, luận điệu “cộng sản Việt Nam khoe có tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trướng hợp” chỉ là một dạng “mượn oai hùm” để bẻ cong sự thật.
Vì là một quốc gia đa tôn giáo, với gần 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Ở Việt Nam “các tôn giáo có điều kiện phát triển vượt bậc. Nếu năm 2003, cả nước có 15 tổ chức thuộc 6 tôn giáo, 17 triệu tín đồ, với khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc; thì đến năm 2021, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26 triệu tín đồ, 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự”. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị tín ngưỡng, tôn giáo; nghiêm cấm những tổ chức, cá nhân nhân danh tôn giáo để hoạt động đi ngược lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, làm phương hại an ninh, trật tự an toàn xã hội hay trục lợi vì bất cứ lý do gì. Cho nên, không có chuyện “Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để được công nhận có tự do tôn giáo”, mà chỉ có các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước bị nghiêm cấm như tổ chức phản động đội lốt tôn giáo “Hội thánh Tin lành đấng Christ Việt Nam”, “Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”…
Thứ ba, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là sự thật, song tự do thực sự chính là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể, Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16/12/1966 thì tự do tôn giáo là phải làm đúng quy định, chứ không phải là núp bóng tôn giáo để tiến hành các hoạt động chống phá, lật đổ chế độ, vi phạm pháp luật, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Những con số biết nói ở đây: Riêng năm 2023 (tính đến tháng 12), Nhà nước Việt Nam đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân, cũng năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản, với trên 2.400.000 bản in; trong đó có nhiều kinh sách của các tôn giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc. Đặc biệt, năm 2023, có hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo… Đồng thời, Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2023; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình; các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương” … chính là hiện thực sinh động của tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Không phải các cơ quan chức năng của Việt Nam đã đàn áp “đạo Dương Văn Minh và Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, ép các tín đồ Tin Lành người Hmong ở nhiều tỉnh miền Bắc và người Thượng ở khu vực Tây Nguyên bỏ đạo, cho tới buộc tháo dỡ các cơ sở thờ tự như chùa Thiên Quang và Sơn Linh thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất” như viện dẫn báo cáo của Hoa Kỳ, mà sự thật chính là các “tà đạo” này đã đội lốt tôn giáo nhưng không có giáo lý, giáo luật, cơ cấu tổ chức riêng và mục đích hoạt động chính của các tổ chức này là vụ lợi, trái pháp luật. Vì thế, không đủ điều kiện để được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo chứ không phải là chính quyền “gây khó” và “phân biệt” đối xử.
Vấn đề là không phải “các giáo phái tôn giáo không được công nhận ở Tây Nguyên và Tây Bắc và ở một số vùng của Đồng bằng sông Cửu Long – đặc biệt là những nơi có tín đồ chủ yếu là người dân tộc thiểu số… bị quấy rối bởi các quan chức chính phủ”, mà chính là các giáo phái đó đã vi phạm nghiêm trọng Ðiều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 khi nhân danh hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để: “a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau”.
Cho nên, phải khẳng định rằng: Đảng và Nhà nước Việt Nam không “can thiệp vào công việc nội bộ các Tôn giáo”; cũng không “vi phạm quyền con người”, mà là vừa tôn trọng Điều 70 của Hiến pháp năm 2013, vừa thực thi nghiêm Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Cho nên, mọi sự xuyên tạc, bịa đặt nêu trên cùng luận điệu “Quyền tự do Tín ngường-Tôn giáo ở Việt Nam là thứ “xin cho giữa nhà nước và người dân” là rất tùy tiện” và “muốn được hoạt động tôn giáo thì phải chui vào cái rọ kiểm soát của nhà nước” là phản động; là bịa đặt và bôi đen sự thật vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam./.