Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
48675

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống Kỳ 2: Trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo

Hoạt động của Chính phủ từ đầu năm đến nay đã minh chứng cho quyết tâm mới của nhiệm kỳ mới, không chùn bước khi có khó khăn, không nể nang, xuê xoa, dễ dãi. Các thành viên Chính phủ đều lăn xả vào công việc, sẵn sàng đối chất với người dân, báo chí về các vấn đề cụ thể như giá thép tăng cao, mua, sản xuất vaccine COVID-19, về các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Hình ảnh nhân viên y tế lao động quên mình trở thành biểu tượng của ý chí Việt Nam trong thời đại mới, ý chí quyết tiến lên, không hề sợ hãi, không lùi bước, thắp sáng niềm tin của dân tộc ta vào một tương lai tươi sáng.

Ý thức phục vụ nhân dân được cải thiện rõ rệt

Nghị quyết của Đảng có được hiện thực hóa hay không phụ thuộc vào công tác tổ chức và cán bộ. Đại hội XIII xác định nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong nhiệm kỳ là “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Đại hội XIII của Đảng đã tổng kết, đánh giá toàn diện, đầy đủ các nội dung về xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, nhất là kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ đó đặt ra yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện trong giai đoạn 5 năm tới để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

 

Khách quan đánh giá, đến hôm nay, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, trong công tác tổ chức cán bộ, trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã và đang thể hiện trách nhiệm nêu gương trước cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến các cấp ủy đảng, những người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, kể cả trong các doanh nghiệp.

Việc người đứng đầu tự trau dồi đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, không ngừng học tập nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, kinh tế đất nước vẫn đạt tăng trưởng dương trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 hoành hành khắp thế giới; uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao; đời sống và việc làm của nhân dân được bảo đảm. Hệ thống chính trị vững vàng hơn trước và quan trọng nhất là ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện rõ rệt. Đây là tiến bộ vượt bậc của đất nước ta trong một giai đoạn thế giới đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm khó khăn về định hướng phát triển.

Bảo đảm dân chủ, công khai

Từ sau đại hội đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay (cấp cơ sở đã triển khai được 1 năm; cấp trên cơ sở triển khai gần 1 năm và đảng bộ trực thuộc Trung ương triển khai được khoảng 8 tháng), ban thường vụ cấp ủy các cấp đã chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung hệ thống các quy định về công tác cán bộ theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ theo 5 bước bảo đảm dân chủ, công khai. Nhiều tổ chức đảng ban hành văn bản yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi đã có thông báo nghỉ hưu, thông báo chủ trương chuyển công tác thì không ký quyết định tuyển dụng, thuyên chuyển, bổ nhiệm cán bộ, không phân bổ vốn, mua sắm tài sản có giá trị lớn; trường hợp đặc biệt phải báo cáo cấp trên xem xét, cho ý kiến trước khi triển khai, do đó đã hạn chế được tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ lãnh đạo có tư tưởng “chợ chiều, cuối khóa”.

Một số cấp ủy kiên quyết điều động hoặc cho thôi việc không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi bổ nhiệm những cán bộ, nhất là người đứng đầu hạn chế về năng lực, trì trệ trong giải quyết công việc, cục bộ, mất đoàn kết nội bộ, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đúng như đông đảo nhân dân mong đợi, các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục mang đến tinh thần chiến đấu cao, kịp thời và nghiêm minh. Nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật: ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; ông Trần Văn Tài, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Quốc phòng…

                                                                                     Hà Hồng Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *