Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
50603

Báo chí và cuộc chiến chống đại dịch Covid – 19

Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài 96 năm kể từ khi tờ Thanh niên – cơ quan ngôn luận của tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội – tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc. 

Phóng viên tác nghiệp trong đại dịch Covid 19

Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước của dân tộc ta đã ghi nhận những cống hiến to lớn của nền báo chí cách mạng trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng của Đảng, phản ánh sinh động thực tiễn công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới và phát triển đất nước; phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội. Báo chí là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới, phục vụ hiệu quả quá trình hội nhập của đất nước. Báo chí cách mạng còn có những đóng góp xuất sắc trong việc chuẩn hóa ngôn ngữ tiếng Việt, truyền bá và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam cho các thế hệ tương lai, góp phần bồi dưỡng, phát huy phẩm chất, bảo vệ phẩm giá con người Việt Nam. Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Ðảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Trải qua 95 năm đồng hành cùng dân tộc (21/6/1925 – 21/6/2020), báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, luôn làm tốt vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Nhớ lại từ những ngày đầu thành lập, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thực hiện theo tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, đó là “vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch; giải thích cho dân chúng hiểu rõ vì sao phải trường kỳ kháng chiến, vì sao kháng chiến nhất định thắng lợi; giải thích chính sách của Chính phủ cho dân chúng rõ; bày tỏ nguyện vọng của dân chúng cho Chính phủ biết; cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng, bày cho dân chúng tổ chức lực lượng của mình; kêu gọi toàn dân đoàn kết, hăng hái kháng chiến, tin tưởng về sự thắng lợi”. Nhiều lần, Bác còn nhắc nhở người làm báo khi cầm bút viết thì phải tự đặt câu hỏi: “Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì? Thế thì viết cái gì? Lấy tài liệu đâu mà viết? Cách viết như thế nào? Viết rồi phải như thế nào?” Sau nhiều thập kỉ, những lời nhắc nhở ngắn gọn có tính định hướng ấy của Người vẫn luôn là thời sự, có giá trị như những bài học hàm súc về nghề làm báo.

Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ đất nước, các thế hệ nhà báo cách mạng không ngừng nỗ lực phấn đấu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Ðảng.

Đến nay, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua gần trọn một thế kỷ xây dựng và phát triển, dưới ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác – Lênin, thấm nhuần tư tưởng và lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã góp phần xứng đáng vào mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cũng như phong trào cách mạng thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong đó, tất nhiên, có cả những đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy và bảo vệ quyền công dân, quyền con người.

Chính quyền Nhân dân đã trải qua 76 năm xây dựng và phát triển, đất nước ta đã có những bước phát triển đáng mừng, nhiều thành tựu đã được ghi nhận, nhưng cũng đang đứng trước nhiều nguy cơthách thức lớn:“tụt hậu xa hơn về kinh tế” so với các nước trong khu vực và trên thế giới; “nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa”“nguy cơ về nạn tham nhũng” và tệ quan liêu; nguy cơ “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Hơn ¼ thế kỷ từ khi Đảng ta nhận diện và cảnh báo về 4 nguy cơ ấy tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (từ ngày 20 đến 25/01/1994), cả hệ thống chính trị cùng với các cơ quan báo chí và báo giới, đã đồng tâm hiệp lực nỗ lực vào cuộc, ra sức khai thác thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thử thách, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy vậy, từ Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khóa VII đến nay, với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, kết quả đấu tranh, khắc phục 4 nguy cơ lớn này thực sự chưa được như mong muốn. Về kinh tế, nhiều năm liền đạt mức tăng trưởng cao, nhưng so với các nước trong khu vực, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đại dịch COVID-19 có thể gây tác động chặn đà tăng trưởng kinh tế của chúng ta thêm nữa. Công tác đấu tranh chống tham nhũng có những bước tiến mạnh mẽ, tác động tích cực tới toàn xã hội, lấy lại được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chế độ. Nhưng nạn tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị, đạo đức, lối sống ngày một phức tạp hơn. Trên lĩnh vực quyền con người, chúng ta đã giành lại thế chủ động trong cuộc đấu tranh, nhưng các thế lực thù địch vẫn chưa chịu từ bỏ các hoạt động chống phá với thủ đoạn ngày càng nguy hiểm hơn. Các quyền và tự do cơ bản của người dân đã được cải thiện nhiều hơn so với trước, nhưng cần phấn đấu để bảo đảm thực chất, đầy đủ hơn nữa.

Nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của báo chí và yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh chống các nguy cơ, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá” về chính trị, đạo đức, lối sống, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018, tin tưởng giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và đặc biệt, lần đầu tiên, Đảng ta chính thức ghi nhận và yêu cầu báo chí cách mạng Việt Nam đảm nhận vai trò, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội vì lợi ích của Nhân dân và đất nước. Đây là những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của báo chí trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần bảo đảm cho sự tồn vong, lớn mạnh của Đảng, của chế độ.

Hẳn chúng ta còn nhớ, báo chí cách mạng trong nhiều thời kỳ đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh bảo về nền độc lập dân tộc và dựng xây đất nước. Nhiều bài báo thực sự là “lời hịch cách mạng”, là “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào, chiến sĩ ra trận, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bồi đắp đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Thời kỳ đổi mới, báo chí như được thổi luồng sinh khí mới, những bài viết về “Những việc cần làm ngay” của nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh là nguồn cảm hứng mạnh mẽ khích lệ, động viên, định hướng cho báo giới hoạt động hiệu quả hơn, năng động hơn, tính chiến đấu cao hơn.

Thiết nghĩ, một khi đã được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ, được tạo mọi điều kiện hoạt động và đã từng được tôi luyện, thử thách qua các giai đoạn cách mạng, thì không có lý do gì lực lượng báo chí cách mạng lại không phát huy sức mạnh to lớn của mình, lại không toàn tâm, toàn ý cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ, bản lĩnh của mình vì lợi ích của Nhân dân, đất nước trong đó có lợi ích của riêng mình!

Nhân ngày vui của những người làm báo, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với những nhà báo đã dấn thân, cống hiến cả tuổi trẻ, tài năng, trí tuệ, thậm chí cả mạng sống của mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kính chúc các nhà báo dồi dào sức khoẻ, tiếp nối truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, luôn giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho toàn dân cùng Đảng, Nhà nước chung tay xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.■

 

Phát biểu tại lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XIV- năm 2020, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ xúc động: “Còn gì cảm động hơn hình ảnh các phóng viên đồng hành với các y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an trong cuộc chiến chống đại dịch. Báo chí đã góp phần to lớn tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn dân, sự đoàn kết, nhân ái trong xã hội trong cuộc chiến chống đại dịch này. Đây là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới kiểm soát được dịch Covid-19 với phương pháp chống dịch hiệu quả, chi phí thấp và nay bước vào “trạng thái bình thường mới” vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội vừa cảnh giác phòng, chống dịch”.

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *