Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
59339

Thách thức về quyền con người của Trung Quốc Kỳ 1: Chia sẻ lợi ích của phát triển đồng đều hơn cho người dân

 

Ngày 04/3/2021 khai mạc Kỳ họp hàng năm của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Kỳ họp lần này có một ý nghĩa quan trọng khác thường đối với Trung Quốc không chỉ bởi năm nay là kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và là năm hoàn thành mục tiêu “100 năm” thứ nhất mà ông Tập Cận Bình tuyên bố (hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện), mà còn bởi Kỳ họp này sẽ thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 14 (Kế hoạch) và Mục tiêu Tầm nhìn 2035. Những điều chỉnh, những nội dung mới trong Kế hoạch và Tầm nhìn 2035 có thể tóm lược trong hai trọng tâm là dốc sức cho khoa học công nghệ và dựa vào năng lực tự thân.

Cách thức phát triển mới

Về phương hướng. Nếu Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 giới thiệu khái niệm “trạng thái bình thường mới” phản ánh nhận thức về cách ứng phó của lãnh đạo Trung Quốc với thay đổi của môi trường bên ngoài còn chưa rõ ràng thì ở Kế hoạch lần này, lãnh đạo Trung Quốc cho rằng đã chuyển sang “một giai đoạn phát triển mới” nên cần “triết lý phát triển mới” với “cách thức phát triển mới” (gọi là “ba tuyến mới”). Trong đó, giai đoạn phát triển mới là chuyển từ xây dựng xã hội khá giả toàn diện sang xây dựng đất nước hiện đại hóa, đồng thời các thách thức đến từ môi trường bên ngoài là không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, triết lý phát triển mới nhấn mạnh đổi mới sáng tạo (innovation), bền vững (green), mở cửa và chia sẻ lợi ích của phát triển đồng đều hơn cho người dân. Cách thức phát triển mới chủ yếu dựa vào sức mạnh tự thân.

Về các ưu tiên. Ba ưu tiên đáng chú ý được cho là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự phát triển của Trung Quốc 5 năm tới và có thể xa hơn nữa (đến năm 2035) là: (i) tăng cường cho đổi mới sáng tạo; (ii) trở thành cường quốc về chế tạo; (iii) thay đổi cách quản lý xã hội.

8 lĩnh vực ưu tiên

Để thực hiện tăng cường đổi mới sáng tạo, Chính phủ Trung Quốc cam kết tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) thêm 7%/năm, năm 2021 chi cho nghiên cứu cơ bản tăng 10,6%. Điều này được cho là để vá lỗ hổng mà cuộc chiến công nghệ với Mỹ xung quanh sản xuất chip đã phơi bày điểm yếu của nghiên cứu cơ bản tại Trung Quốc. Số liệu cho thấy chi cho R&D của Trung Quốc tương đương 2,1% GDP (xếp thứ 18 thế giới) nhưng chi cho nghiên cứu cơ bản chỉ chiếm 5% trong chi cho R&D (con số này của Mỹ là 15% cho R&D).

Để thực hiện kế hoạch toàn diện nâng cấp năng lực sản xuất của mình cho tới năm 2025, Kế hoạch lần này đã xác định 8 lĩnh vực ưu tiên gồm đất hiếm và vật liệu mới, robot, động cơ máy bay, phương tiện năng lượng mới và ô tô thông minh, thiết bị y tế cao cấp và y học sáng tạo như vaccine, máy móc nông nghiệp, thiết bị chính được sử dụng trong ngành đóng tàu, hàng không và đường sắt cao tốc và các ứng dụng công nghiệp của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Bắc Đẩu.

Về mục tiêu cụ thể. Một khác biệt quan trọng là Kế hoạch lần thứ 14 không còn đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân cụ thể cho giai đoạn 5 năm tiếp theo (lần trước mục tiêu là tăng trung bình 6,5%). Đây là một bước tiến về tư duy điều hành chính sách của Trung Quốc khi chỉ tập trung vào chỉ tiêu việc làm/thất nghiệp và kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, nó cũng giúp giảm áp lực nợ công cho các địa phương và hạn chế bệnh báo cáo thành tích giả.

PHẠM SỸ THÀNH*

* Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS), Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *