Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
43533

Quyền tự do phổ quát trên không gian mạng

 

Các quyền con người trên không gian mạng có thể được hiểu là các quyền và tự do cơ bản của con người về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa được thể hiện trên không gian internet, có thể gọi chung là tự do internet (Freedom on the internet). Mặc dù tự do internet có khái niệm rất rộng và thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhiều nhà khoa học pháp lý, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và trong nước, nhưng vấn đề thường được quan tâm nhiều nhất và cơ bản nhất vẫn là tự do quan điểm, tự do tư tưởng, tự do thể hiện ý kiến…trọng tâm là tự do biểu đạt bằng phương thức trực tuyến (online). Xem xét dưới góc độ pháp lý và đối ngoại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary phát biểu năm 2010 tại Washington D.C rằng nhân loại đang chứng kiến cuộc đấu tranh quyết liệt để bảo đảm internet là công cụ cho sự cởi mở, cơ hội, biểu đạt, giao tiếp, phát huy khả năng và giá trị của con người hơn là công cụ để theo dõi, kiểm soát, đàn áp, phân hóa con người và khủng bố, tội phạm (1).

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

Các nguyên tắc cơ bản của Luật nhân quyền quốc tế trước hết đòi hỏi các quyền  biểu đạt trực tuyến (online) cũng phải được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm như những người không trực tuyến (offline). Nguyên tắc cơ bản của luật nhân quyền quốc tế là mọi người đều có quyền tự do biểu đạt mà không bị can thiệp (Điều 19). Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế năm 1948 UDHR và khoản 1 điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966 ICCPR). Khoản 2 điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966 quy định quyền biểu đạt (quyền tự do ngôn luận) được thực hiện bằng bất cứ hình thức nào và phương tiện nào: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt  mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức truyền đạt bằng miệng, bằng bản viết, in hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ” (2). Tại thời điểm đó internet chưa xuất hiện, nhưng internet là một hình thức biểu đạt, một công nghệ thể hiện, một phương tiện thông tin đại chúng và kết nối cộng đồng, vì thế  quy định của UDHR và ICCPR cũng đã bao gồm quyền và tự do biểu đạt cả online và ofline.

Bình luận chung số 34 năm 2011 của Ủy ban nhân quyền Liên hợp Quốc HCR đã đặc biệt lưu ý đến các quyền con người trên các phương tiện truyền thông hiện đại và khuyến nghị các quốc gia thành viên Liên hợp quốc khi xây dựng pháp luật cần bảo đảm quyền biểu đạt của con người có lưu ý đến những điểm chung và “ sự khác biệt giữa báo in, truyền thanh, truyền hình và internet ” (Đoạn 39). Từ sau đó đến nay, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về quyền và tự do internet. Nghị quyết số 12/16 ngày 2/10/2009 về việc bảo đảm thực hiện các quyền tự do ngôn luận và biểu đạt. Nghị quyết số 20/8 năm 2012 về bảo vệ và thúc đẩy hưởng thụ internet xác định rằng các quyền biểu đạt của con người dù online  cũng phải được bảo vệ tương tự như offline, “…bất kể biên giới và thông qua bất kỳ phương tiện nào do một người lựa chọn, phù hợp với điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966”(3).  Nghị quyết số 23/2 ngày 13/6/2013 về vai trò của tự do ngôn luận và biểu đạt trong việc tăng quyền cho phụ nữ. Các nghị quyết số 68/167 ngày 18/12/2013; số 69/166 ngày 18/12/2014; số 28/6 ngày 24/3/2015 về quyền riêng tư trong kỷ nguyên số. Nghị quyết số 70/184 ngày 22/12/2015 về thông tin và các kỹ thuật truyền thông vì phát triển. Nghị quyết số 70/125 ngày 16/12/2015 đánh giá chung việc thực hiện các kết quả Hội nghị cấp cao thế giới về xã hội thông tin. Nghị quyết A/HRC/32/L20 ngày 27/7/2016 của Hội đồng nhân quyền tiếp tục khẳng định mạnh mẽ các quyền con người phải được bảo vệ và thực hiện trên không gian mạng, nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do thông tin và tự do biểu đạt quan điểm, ý kiến trên internet mà không bị phân biệt, đồng thời lên án các hoạt động ngăn chặn, hạn chế tiếp cận internet. Nghị quyết số 31/7 ngày 23/3/2016 về thông tin, các kỹ thuật truyền thông để phòng và chống bóc lột tình dục trẻ em. …Như vậy các quyền và tự do trên không gian mạng được LHQ, các quốc gia thành viên LHQ và Hội đồng nhân quyền LHQ đặc biệt quan tâm và đã ra nhiều nghị quyết chuyên đề quan trọng, không chỉ xác định rõ trách nhiệm của các quốc gia trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền tự do ngôn luận và biểu đạt mà còn chỉ ra những yêu cầu cụ thể trong việc thực hiện quyền và tự do không gian internet để bảo đảm quyền bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền riêng tư, quyền hưởng thụ các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông, quyền phát triển…Có 10 nhóm quyền cụ thể có tính nguyên tắc về tự do internet mà các văn kiện trên đây đã chỉ ra, bao gồm (4):

Một là: quyền tự do phổ quát trên không gian mạng

Hai là: Bảo đảm công lý xã hội

Ba là:  Tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin bình đẳng

Bốn là: Bảo đảm quyền biểu đạt và kết giao không bị can thiệp, kiểm duyệt

Năm là: Bảo vệ các dữ liệu và quyền riêng tư.

Sáu là:  Tôn trọng, bảo vệ các quyền sống, tự do và an ninh cá nhân.

Bảy là: Tôn trọng đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và biểu đạt

Tám là: Tự do và bình đẳng mở rộng không gian mạng, không bị tắc nghẽn mạng một cách cố ý vì các lý do chính trị, thương mại hay các lý do khác

Chín là: Các chuẩn mực internet được xây dựng phải bảo đảm vận hành liên thông, bảo đảm quyền và tự do, bình đẳng cho tất cả mọi người.

Mười là: Việc quản trị internet phải được thực hiện với cách thức rõ ràng, minh bạch, cởi mở và trách nhiệm giải trình của tất cả các bên tham gia.

Có thể khẳng định rằng quyền và tự do internet là một quyền tự do thiêng liêng, không thể bị xâm phạm, cần được cộng đồng quốc tế và các quốc gia ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.

Luật sư PGS.TS.Chu Hồng Thanh

                                                          Nguyên Giảng viên cao cấp HVCTQG HCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *