Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22673

Việt Nam có những chính sách gì hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người

Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và buôn bán người. Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai chương trình phòng chống buôn bán người giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, như tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành, cải thiện công tác thống kê, đẩy mạnh điều tra, xử lý tội phạm mua bán người và truyền thông phòng ngừa, nâng cao nhận thức về mua bán người.

Từ ngày 1/7 đến 30/9/2023, Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Kết quả, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, điều tra 90 vụ với 234 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150, Điều 151 Bộ luật Hình sự gồm tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. Cục Cảnh sát Hình sự- Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương xác minh 45 thông tin, đầu mối liên quan mua bán người sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar.

Tăng cường cán bộ công an đến tận nhà bà con để tuyên truyền công tác phòng chống mua bán người ở vùng đồng bào DTTS.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng giải cứu, tiếp nhận 61 nạn nhân, người nghi là nạn nhân, tiến hành rà soát, sàng lọc 54 công dân có dấu hiệu bị mua bán do lực lượng chức năng của nước ngoài trao trả. Mô hình “Ngôi nhà bình yên” tại Hà Nội và Cần Thơ tiếp tục tiếp nhận, hỗ trợ 54 trường hợp là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán trở về.

Cũng trong thời gian này, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 48 vụ với 139 bị cáo. Tăng 18 vụ và 68 bị cáo so với cùng kỳ năm trước. Các Tòa án đã tuyên phạt tù từ 15-20 năm đối với 7 bị cáo.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người; xuất nhập cảnh trái phép và lừa đảo đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài. Bộ Quốc phòng cũng thông báo, cập nhật phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; tuyến- địa bàn trọng điểm của tội phạm mua bán người để các đơn vị trong toàn quân, nhất là lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, các Quân khu tổ chức công tác phòng, chống mua bán  người.

Người dân cần tìm hiểu kỹ trước những thông tin tuyển lao động tràn lan.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi, nắm chắc tình hình công dân, nhất là các trường hợp nghi là nạn nhân bị mua bán; Thường xuyên trao đổi, làm việc với với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để cập nhật tình hình, chính sách và giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh

Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM), theo quyết định được Chính phủ ban hành từ ngày 20/3/2020, nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

Bên cạnh các chiến dịch trấn áp tội phạm mua bán người, Việt Nam cũng rất chú trọng đến công tác hỗ trợ các nạn nhân của nạn mua bán người. Căn cứ quy định của Luật phòng, chống mua bán người năm 2011 và Nghị định 09/2013/NĐ-CP có thể thấy, tuỳ trường hợp, các nạn nhân của nạn mua bán ngườii là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ sau đây: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ học văn hóa, học nghề; Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, thì tùy trường hợp sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ như: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý; Trợ giúp pháp lý.

Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân, thì tùy trường hợp sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ như: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ tâm lý.

Các nạn nhân bị mua bán được Công an Trung Quốc bàn giao cho Bộ đội biên phòng Lào Cai.

Cụ thể, về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, Nghị định 09/2013/NĐ-CP có quy định các chế độ hỗ trợ gồm: Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Thời gian hỗ trợ tối đa từ nguồn ngân sách nhà nước không quá 60 (sáu mươi) ngày; Hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết. Nạn nhân trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân được cấp 02 (hai) bộ quần áo dài, 02 (hai) bộ quần áo lót, khăn mặt, dép nhựa, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng, băng vệ sinh (đối với nạn nhân là nữ); Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày đi trên đường; hỗ trợ tiền tàu xe theo giá phương tiện công cộng phổ thông.

Nạn nhân là người chưa thành niên thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện) hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tự mình hoặc phối hợp với cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội đưa nạn nhân về nơi người thân thích cư trú.

Về hỗ trợ y tế: Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nếu nạn nhân nạn mua bán người cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh. Hỗ trợ y tế cho nạn nhân của nạn mua bán người được quy định chi tiết tại Điều 20, Nghị định 09/2013/NĐ-CP.

Theo Luật phòng, chống mua bán người năm 2011 thì nạn nhân còn được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Chế độ hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân gồm tư vấn, tham vấn tâm lý cho nạn nhân và thực hiện các liệu pháp trị liệu nhóm. Cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm tổ chức các hoạt động hỗ trợ giúp nạn nhân ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú, Đối với nạn nhân là người chưa thành niên, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm liên hệ, đánh giá về mức độ an toàn đối với nạn nhân khi trở về gia đình hoặc nơi cư trú trước khi đưa nạn nhân trở về.

Bên cạnh đó, nạn nhân của nạn mua bán người còn được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người. Trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Riêng về chế độ hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, với nạn nhân là người chưa thành niên thuộc hộ nghèo, nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên. Nạn nhân khi trở về địa phương, nếu thuộc hộ nghèo thì được xem xét hỗ trợ học nghề. Nạn nhân khi trở về địa phương, nếu thuộc hộ nghèo thì được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu. Nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét tạo điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

 

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *