Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
20912

Xoá mù chữ cho các phạm nhân

Chính sách về quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân luôn được Đảng, Chính phủ Việt Nam quan tâm và được cụ thể hóa bởi pháp luật hình sự của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Lớp học xóa mù chữ được tổ chức hàng năm tại Trại giam số 3– Bộ Công an đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

Điều 31 Luật Thi hành án hình sự 2019 đã có quy định chế độ học tập, học nghề của phạm nhân cụ thể như sau:

1. Phạm nhân được phổ biến pháp luật, giáo dục công dân và được học văn hóa, học nghề. Phạm nhân chưa biết chữ phải học văn hóa để xóa mù chữ. Phạm nhân là người nước ngoài được khuyến khích học tiếng Việt. Phạm nhân được bố trí 01 ngày trong tuần để học tập, học nghề, trừ ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật.

2. Căn cứ yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và thời hạn chấp hành án, trại giam, trại tạm giam tổ chức dạy học cho phạm nhân; căn cứ điều kiện thực tế, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức dạy học cho phạm nhân.

3. Chương trình, nội dung học tập, học nghề của phạm nhân do Chính phủ quy định.

Như vậy, việc dạy văn hóa xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho phạm nhân được các trại giam thực hiện thường xuyên. Ngay từ khi phạm nhân mới đến đến chấp hành án phạt tù, các cán bộ trong trại giam đã tiến hành rà soát, phân loại, lập danh sách số phạm nhân chưa biết chữ, chưa được phổ cập tiểu học để tổ chức dạy văn hóa xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho họ. Giáo viên của các trường TTểu học tham gia dạy văn hóa cho phạm nhân. Phòng Giáo dục và Đào tạo ở địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho phạm nhân đã học xong chương trình. Kiến thức văn hóa phổ thông là cơ sở quan trọng để phạm nhân tiếp thu nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, kỹ năng sống, học nghề, truyền nghề và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Văn hóa đọc đã được hình thành trong trại giam, góp phần cảm hóa và bồi đắp khát vọng hoàn lương cho các phạm nhân.

Quá trình giáo dục cải tạo phạm nhân được phân chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn “đầu vào” (đến trại giam chấp hành án phạt tù), thực hiện ngay từ khi phạm nhân mới đến chấp hành án phạt tù, trong thời gian 10 ngày. Nội dung giáo dục chủ yếu là phổ biến quy định của pháp luật về thi hành án phạt tù như: Nội quy cơ sở giam giữ và quy định danh mục các đồ vật cấm; các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù; lễ tiết, tác phong, nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử; tập luyện về đội hình, đội ngũ, trật tự nội vụ …

Giai đoạn “giữa” (đang chấp hành án phạt tù), thực hiện sau khi phạm nhân học xong giai đoạn “đầu vào”, được bố trí về các Đội (tổ) ở các khu giam giữ để tiến hành tổ chức lao động, học tập theo chương trình giáo dục. Ở giai đoạn này, phạm nhân phải lao động, tiếp tục học tập về pháp luật, giáo dục công dân, kỹ năng sống, hướng nghiệp, học nghề … Giai đoạn “đầu ra” (chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù) được thực hiện hai tháng trước ngày phạm nhân chấp hành xong án phạt tù.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các trại giam đã tổ chức mở hơn 500 lớp giáo dục công dân cho hơn 15.000 lượt phạm nhân mới đến chấp hành án; hơn 200 lớp cho 35.000 lượt phạm nhân đang chấp hành án; hơn 300 lớp cho hơn 12.900 lượt phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù; hơn 1.200 lớp phổ biến thời sự, chính trị cho hơn 762.600 lượt phạm nhân; hơn 130 lớp học văn hóa xóa mù chữ cho hơn 1.700 lượt phạm nhân, đã cấp chứng chỉ xóa mù chữ cho hơn 140 phạm nhân; hơn 880 lớp giáo dục pháp luật cho hơn 367.500 lượt phạm nhân; hơn 210 lớp về phòng chống ma túy cho hơn 101.300 lượt phạm nhân.

Cán bộ quản giáo nắn từng nét chữ cho phạm nhân trong giờ học.

Hằng ngày, ngoài giờ lao động, học tập, phạm nhân được tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, xem tivi, nghe đài, đọc sách, báo, được tham gia các phong trào thi đua chấp hành án phạt tù. Các buồng giam đều được trang bị ti vi màu, tổ chức cho phạm nhân xem vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ buổi tối theo quy định để cho phạm nhân có thể cập nhật các thông tin về chính trị, thời sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… Mỗi khu giam đều có hệ thống truyền thanh và truyền hình cáp nội bộ, bảng tin, để tuyên truyền, nêu gương người tốt việc tốt; phê phán những việc làm sai với nội quy cơ sở giam giữ. Các trại giam cũng đã có thư viện với nhiều đầu sách, báo, tạp chí mang nội dung về pháp luật, giáo dục công dân, kỹ năng sống, văn học, nghệ thuật, tôn giáo và tổ chức cho phạm nhân đọc trong các giờ nghỉ hằng ngày và ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày Lễ, Tết.

Bên cạnh công tác giáo dục cải tạo phạm nhân của các trại giam, còn có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức xã hội và thân nhân phạm nhân như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam… Hằng năm, các trại giam đều tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân để phát huy vai trò của thân nhân trong việc phối hợp giáo dục cải tạo con em họ.

Do làm tốt công tác giáo dục cải tạo nên đa số phạm nhân đều đã nhận rõ tội lỗi đã gây ra, xác định rõ tư tưởng, yên tâm cải tạo tiến bộ, chấp hành nghiêm Bản án, không vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ. Định kỳ hằng tháng, quý, phần lớn phạm nhân đều được xếp loại khá, tốt và được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam như: Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện hoặc đặc xá, trở về hòa nhập cộng đồng và xã hội làm ăn lương thiện.

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *