Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
58396

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIẾN  

Là quốc gia trải dài ven biển với khoảng 1/3 dân số sinh sống ở vùng duyên hải, 28 tỉnh/thành giáp biển đóng góp khoảng hơn 50% tổng GDP, Việt Nam nhận thức rõ vai trò quan trọng của biển trong chiến lược bảo vệ an ninh, chủ quyền và phát triển. Sau hơn 10 năm triển khai và đúc rút kinh nghiệm từ Chiến lược biển đến năm 2020 tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) Đảng khoá X năm 2007, Hội nghị lần thứ 8 BCHTW Đảng khoá XII năm 2018 đã thông qua Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những chiến lược  này đã được triển khai qua nhiều văn bản pháp lý, hành chính có tính thực thi như Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Thuỷ sản 2017, Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ tháng 3/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế biển.

Nhận thức về nhiệm vụ mới trong tình hình mới

Thực tế quá trình triển khai công tác bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển thời gian qua cũng cho thấy những bước phát triển quan trọng trong nhận thức và hành động bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Nghị quyết số 36-NQ/TW từ năm 2018 của Đảng đã dự báo: “Trong thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước tại Biển Đông”.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Những diễn biến hiện nay phản ánh sự sáng suốt trong những nhận định này. Biển Đông đang nổi lên là địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, đặc biệt là cạnh tranh Trung – Mỹ. Cạnh tranh này còn phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có khả năng đẩy nhanh quá trình thay đổi cán cân lực lượng giữa các cường quốc trên thế giới. Trung Quốc trỗi dậy với 2 mục tiêu 100 năm và Giấc mộng Trung Hoa, không ngừng mở rộng ảnh hưởng trên biển, gia tăng sử dụng sức mạnh tổng hợp để kiểm soát Biển Đông, đẩy các cường quốc khác ra ngoài khu vực. Song Trung Quốc cũng có nhiều yếu huyệt khi các tuyên bố lập trường và hoạt động trên thực địa vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Mỹ ngày càng tấn công mạnh vào các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời ngầm vận động sự ủng hộ của các nước trong và ngoài khu vực.

Bên cạnh đó, các phát minh khoa học có thể tạo ra những thay đổi lớn trong cục diện biển; vừa mở ra các năng lực mới giúp con người hiểu biết và khai thác tốt hơn các không gian biển, song cũng dẫn đến nhiều tác động tiêu cực, làm gia tăng cạnh tranh và kiểm soát ở các không gian mở như vùng biển quốc tế. Công nghệ mới giúp nâng cao khả năng do thám, trinh sát, khả năng hậu cần, khả năng tác chiến với các loại vũ khí hiện đại. Trong cuộc cạnh tranh này, các nước nhỏ sẽ luôn ở thế yếu hơn và đi sau. Ở Biển Đông, Trung Quốc đang đang triển khai những phát minh khoa học mới nhất như hệ thống radar, các thiết bị gây nhiễu sóng, máy bay tân tiến để bảo vệ và củng cố các đảo nhân tạo tại Biển Đông, thực thi các yêu sách trên Biển Đông và tạo ra những thay đổi mạnh mẽ với cục diện khu vực.

Trong bối cảnh tình hình trên, Đảng ta xác định quan điểm: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển”. Như vậy, quan điểm chủ đạo của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay là thực hiện hai nhiệm vụ vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Các thành tựu ta đạt được trong thời gian qua đã cho thấy sự vận dụng đúng đắn quan điểm, đường lối của Đảng trong phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bảo đảm an ninhchủ quyền, giữ vững đường lối đối ngoại độc lập

Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện cơ bản chiến lược bảo đảm chủ quyền, an ninh, đồng thời duy trì được quan hệ đối ngoại tự chủ, không bị lôi kéo vào các tranh chấp địa chính trị giữa các nước lớn. Bằng các hoạt động linh hoạt nhưng kiên quyết, Việt Nam đã giữ được môi trường hoà bình, không xung đột với Trung Quốc, đồng thời bảo vệ được chủ quyền trên các thực thể đang giữ ở Trường Sa, duy trì chủ quyền danh nghĩa ở Hoàng Sa trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động ở Biển Đông với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng cơ bản bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Kể từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã kiên quyết cản phá thành công nhiều hoạt động xâm phạm quyền chủ quyền trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ bờ biển như vụ Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD981 năm 2014, vụ tàu thăm dò khảo sát HD8 năm 2019. Lực lượng chấp pháp Việt Nam cũng nhiều lần xua đuổi tàu các các nước khỏi vùng biển của ta và bảo vệ ngư dân ta trong các hoạt động đánh bắt tại ngư trường truyền thống, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trên mặt trận chính trị – đối ngoại, chính sách của Việt Nam ở Biển Đông đã vận dụng thành công chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Trong hơn một thập kỷ qua, ta đã công khai đấu tranh chống lại các tuyên bố, hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông trên nhiều cơ chế, diễn đàn, trong đó có việc gửi nhiều công hàm khẳng định lập trường và yêu sách lên các cơ quan khác nhau của LHQ, sử dụng các cơ chế của ASEAN để phê phán các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nêu cao chính nghĩa của ta và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Việt Nam cũng đàm phán và đạt được một số bước tiến quan trọng trong phân định biển với các nước. Tiếp theo các thoả thuận như Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia (1982), Bản ghi nhớ hợp tác khai thác chung Việt Nam-Malaysia (1992), Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam-Thái Lan (1997), Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (2000), Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam-Indonesia 2003, đến năm 2009, Việt Nam và Malaysia đã đệ trình Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ. Hoạt động này đóng góp vào kinh nghiệm thực tiễn của khu vực về giải quyết những bất đồng và tranh chấp trên biển.

Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác quốc tế về biển của Việt Nam đã được mở rộng. Trong vài năm gần đây, nhiều nước đã cung cấp, viện trợ tàu tuần tra cho Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…, cùng nhiều dự án xây dựng năng lực khác. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam tham gia tập trận RIMPAC ở cấp độ cử sĩ quan, và trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn. Tàu chiến của các nước ghé thăm cảng của Việt Nam với tần suất nhiều hơn, đa dạng hơn. Một số chương trình hợp tác về an ninh biển, cứu hộ cứu nạn, chống thiên tai và cứu trợ nhân đạo được thực thi. Điều này tạo thuận lợi cho ta trong việc đối thoại, trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác với các nước để đối phó với cả tình hình Biển Đông đang ngày càng phức tạp, cũng như các nguy cơ an ninh phi truyền thống.

Trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ ở Biển Đông ngày càng quyết liệt, Việt Nam đã ứng xử khéo léo bảo đảm duy trì được độc lập, tự chủ; không bị kéo vào cuộc cạnh tranh nước lớn. Gần nhất, tháng 7/2020, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ra tuyên bố khẳng định lại lập trường của Mỹ và cáo buộc các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khéo léo khẳng định “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế” và tái khẳng định “Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương”. Bằng tuyên bố này, Việt Nam ngầm ủng hộ Mỹ tố cáo các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, song tránh không gửi sai tín hiệu rằng Việt Nam đi theo Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Phát triển kinh tế biển bền vững

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững chủ quyền, chiến lược biển của Việt Nam vẫn đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển bền vững kinh tế biển. Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt ra mục tiêu “Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển”. Để đạt được mục tiêu này, Đảng đã xác định ưu tiên lần lượt cho các lĩnh vực: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Tháng 3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP về kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 và đã quyết liệt đẩy mạnh thực hiện Chiến lược này. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển tăng trưởng bình quân đều cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước. Ngoài ra, triển khai nhiệm vụ và đường lối phát triển bền vững kinh tế biển còn đạt được nhiều thành công trên các mặt du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, hệ thống cảng biển được xây dựng và phát triển cả về qui mô về số lượng, mật độ. Các chính sách về hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, đóng tàu đánh bắt xa bờ có tác dụng tích cực. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm tăng nhanh và liên tục. Đến nay, có hơn 620 cơ sở chế biến thủy, hải sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm (Nhật Bản, Mỹ, EU…).

Ngư dân Trường Sa bám biển

Nhiều khu kinh tế ven biển được thành lập thu hút các dự án đầu tư nước ngoài lớn như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất đã đóng góp vai trò quan trọng trong tăng cường năng lực sản xuất ngành công nghiệp cả nước, đồng thời tạo điều kiện để thúc đẩy nhiều ngành khác. Nhờ triển khai đúng đắn các chủ trương, nhiệm vụ về phát triển kinh tế biển mà đời sống, mức sống của nhân dân vùng ven biển và trên các đảo được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Thu nhập bình quân đầu người ở các địa phương ven biển tăng lên, các tỉnh thành ven biển cũng giải quyết việc làm cho lượng lớn các lao động trong cả nước.

Tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta hiện nay là phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Tư tưởng này được hình thành dựa trên kinh nghiệm quốc tế, dự báo tình hình trong nước và trên thế giới, thực tiễn Việt Nam và phù hợp với xu thế thời đại. Thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, nhờ đường lối đúng đắn mà ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển lực lượng và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, tạo ra các động lực để phát triển kinh tế biển và các địa bàn ven biển, từng bước hình thành nhận thức chung và đồng thuận lớn hơn về vai trò của biển đối với sự phát triển lâu dài của dân tộc, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để khám phá và khai thác tài nguyên biển.■

   ThS. HOÀNG TH LAN* – TS. HÀ ANH TUẤN*

Nghiên cứu viên Viện Biển Đông

* Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông

 Kể từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã kiên quyết cản phá thành công nhiều hoạt động xâm phạm quyền chủ quyền trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ bờ biển như vụ Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD981 năm 2014, vụ tàu thăm dò khảo sát HD8 năm 2019. Lực lượng chấp pháp Việt Nam cũng nhiều lần xua đuổi tàu các các nước khỏi vùng biển của ta và bảo vệ ngư dân ta trong các hoạt động đánh bắt tại ngư trường truyền thống, phù hợp với luật pháp quốc tế.

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *