Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
61986

Quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội

 

Quyền tự do biểu đạt đã từ lâu được ghi nhận và nhiều lần tái khẳng định bởi các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người. Do đó, bàn về tự do biểu đạt trên mạng xã hội, thực chất là bàn về nội dung, phạm vi, phương thức bảo đảm quyền này khi nó được thực hiện bằng một phương tiện của thời đại mới – Internet và trên một không gian mới – không gian mạng xã hội.

Khái niệm

Về mặt thuật ngữ, “biểu đạt” có nghĩa là bày tỏ, thể hiện ý tưởng, tư tưởng rõ ra bằng một hình thức nào đó.[1] Trong thực tế, “Tự do biểu đạt” (Freedom of expression) thường được sử dụng tương đương với “Tự do ngôn luận” (Freedom of speech) – tức là quyền tự do trong việc thể hiện quan điểm và ý kiến mà không sợ bị trả đũa, kiểm duyệt hoặc xử phạt – nhưng “tự do biểu đạt” có phạm vi rộng hơn, bao gồm tất cả các hành động tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt bất kỳ thông tin hoặc ý kiến nào bằng mọi phương thức và thông qua mọi phương tiện truyền thông.[2] Tức là, tự do biểu đạt được hiểu với một phạm vi bao hàm tự do ngôn luận như một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Trong lịch sử, quyền tự do này (tự do biểu đạt) với những hình thức cụ thể của nó như tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản… đã sớm được các nhà tư tưởng, các nhà lập hiến, lập pháp các quốc gia bảo vệ.”[3] Theo đó, tự do ngôn luận là một trong những hình thức của tự do biểu đạt.

Việc ghi nhận, diễn giải quyền tự do biểu đạt trong các văn kiện pháp lý quốc tế cũng luôn gắn liền với tự do ngôn luận. Tại Điều 19, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 tuyên bố: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới.”[4] Thống nhất với tuyên bố đó, Điều 23 Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN ghi nhận: “Mọi người có quyền tự do quan điểm và biểu đạt, bao gồm quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp, quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá thông tin, bằng lời, bằng văn bản hay bằng các phương tiện khác theo lựa chọn của người ấy”.[5] Theo các văn kiện này, tự do biểu đạt bao gồm các quyền: được giữ quan điểm, bày tỏ ý kiến mà không bị xâm phạm; tự do tìm kiếm, tiếp nhận thông tin; tự phổ biến thông tin và tư tưởng bằng bất kỳ hình thức, phương tiện nào. Điều đó có nghĩa là việc bảo vệ quyền tự do biểu đạt không chỉ hướng tới bảo vệ nội dung biểu đạt mà còn cả các phương tiện biểu đạt.

Tự do biểu đạt đã được ghi nhận từ lâu nhưng sự xuất hiện của mạng xã hội (Social Network) đã thúc đẩy khả năng thực hiện quyền này bằng cách làm phong phú cách biểu đạt và mở ra một phạm vi vô hạn cho việc tiếp nhận, truyền bá thông tin, ý tưởng qua phương tiện biểu đạt mới – mạng Internet. Hiểu một cách đơn giản thì mạng xã hội là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích, mối quan tâm trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Về mặt pháp lý, Việt Nam có định nghĩa “mạng xã hội” chính thức tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo đó: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.[6] Thông qua kết nối internet, những tính năng của mạng xã hội cho phép người dùng biểu đạt thông tin, ý tưởng dưới nhiều hình thức như: văn bản, hội thoại, âm thanh, hình ảnh… bằng vô số cách thức khác nhau như: lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi… mà không bị giới hạn thời gian, không gian.

Với nguyên tắc chung trong việc bảo vệ quyền con người được các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và cộng đồng nhân loại thừa nhận rộng rãi trong thời đại internet là các quyền con người ngoài đời (offline) cũng phải được bảo vệ tương tự trên không gian internet (online),[7] UNESCO tuyên bố: “UNESCO công nhận rằng Internet có tiềm năng to lớn phục vụ cho phát triển. Nó cung cấp một khối lượng tài nguyên chưa từng có về thông tin và kiến thức, điều đó mở ra những cơ hội và thách thức mới cho sự thể hiện và tham gia. Nguyên tắc tự do ngôn luận và nhân quyền không chỉ áp dụng cho truyền thông truyền thống mà còn cho Internet và tất cả các loại nền tảng truyền thông mới nổi, sẽ góp phần phát triển, dân chủ và đối thoại.”[8]

Từ những nhận thức trên, có thể hiểu rằng: Quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội là quyền được tự do bày tỏ ý kiến, tư tưởng; tự do tìm kiếm, tiếp nhận thông tin; tự do phổ biến thông tin và tư tưởng dưới dạng văn bản, hội thoại, âm thanh, hình ảnh hay bất kỳ dạng nào khác thông qua các phương thức lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi hoặc phương thức khác trong các hệ thống thông tin kết nối cộng đồng trên mạng Internet.

Phổ biến và đặc thù

Quyền tự do biểu đạt nói chung hay biểu đạt trên mạng xã hội cũng mang các đặc trưng chung của quyền con người. Đây là quyền phổ biến, áp dụng bình đẳng với mọi thành viên gia đình nhân loại nhưng việc đảm bảo quyền này có tính đặc thù, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật của mỗi quốc gia. Tự do biểu đạt trên mạng xã hội là nội dung phát triển tự nhiên của quyền tự do biểu đạt khi mà mạng xã hội trở thành phương tiện truyền thông thiết yếu của loài người, do đó chỉ có thể ghi nhận, bảo đảm mà không thể tước đoạt, chối từ nó. Tự do biểu đạt trên mạng xã hội quan trọng như tự do biểu đạt bằng bất cứ một phương thức, phương tiện nào khác, thậm chí còn trở nên quan trọng hơn khi mà mạng xã hội đang chi phối phần lớn nhu cầu thông tin của con người. Tự do biểu đạt có mối quan hệ chặt chẽ, chi phối lẫn nhau với các quyền con người khác như nhận xét tại Bình luận chung số 34 năm 2011 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc: “Tự do quan điểm và tự do biểu đạt là những điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển đầy đủ của con người. Bất kỳ xã hội nào cũng cần có tự do quan điểm và tự do biểu đạt. Chúng tạo thành nền tảng cho mọi xã hội tự do và dân chủ. Hai quyền tự do này có liên quan chặt chẽ, trong đó tự do biểu đạt là phương tiện cho việc trao đổi và phát triển các quan điểm.” và “Tự do biểu đạt là điều kiện cần cho việc hiện thực hóa các nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình, đến lượt mình, chúng lại cần thiết cho việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người.”[9]

Bên cạnh những đặc trưng chung của quyền con người, quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội có đặc thù riêng do gắn liền với việc sử dụng phương tiện biểu đạt phi truyền thống là mạng Internet. Do đó, việc hưởng thụ, bảo đảm hay can thiệp, hạn chế quyền này có liên quan mật thiết đến điều kiện tiếp cận, sử dụng, quản lý mạng Internet của mỗi quốc gia.

Phương Nhung

[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.121.

[2] Theo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Link truy cập ngày 21/02/2020: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%B1_do_ng%C3%B4n_lu%E1%BA%ADn

[3] Lã Khánh Tùng, “Luật nhân quyền quốc tế bảo vệ tự do biểu đạt trực tuyến – Trung tâm của tự do Internet”, trong sách Phạm vi và giới hạn của tự do Internet, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.14.

[4] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2011, tr.52.

[5] Bản dịch tham khảo tại Trang thông tin về Luật nhân quyền của TS. Lã Khánh Tùng www.nhanquyen.vn, Link truy cập: http://www.nhanquyen.vn/modules.php?name=Content&opcase=viewcontent&mcid=3&menuid=2

[6] Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,  Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, năm 2013, Điều 3 khoản 22.

[7] Nguyên tắc này được ghi nhận tại Nghị quyết số 20/8 năm 2012 và Nghị quyết số 26/13 năm 2014 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về thúc đẩy, bảo vệ và hưởng thụ quyền con người trên Internet.

[8] Tuyên bố đăng tải trên trang chủ UNESCO, link: https://en.unesco.org/themes/freedom-expression-internet

[9] Lã Khánh Tùng, Vũ Công Giao, Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2012, Phụ lục: Bình luận chung số 34.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *